Văn phòng Chính phủ mới đây đã có Văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Thông báo cho biết, ngày 08/3/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và ý kiến của các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn để hoàn thiện Đề án.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, căn cứ quy định pháp luật và tình hình thực tiễn khẩn trương rà soát, hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền trong tháng 3/2024; bảo đảm chất lượng, tiến độ, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đề ra của Đề án; đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện thỏa thuận giữa ta và phía Trung Quốc.
Trong đó, lưu ý rà soát kỹ về các cơ chế, quy chế tổ chức hoạt động của cửa khẩu thông minh; về bảo đảm cơ sở hạ tầng (công nghệ, phương tiện, thiết bị, trụ sở…); về nguồn nhân lực (đào tạo, bố trí nhân lực trong phạm vi cửa khẩu); về phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan…; đề xuất rõ các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Rà soát kỹ quy định pháp luật để xác định rõ thẩm quyền phê duyệt Đề án và hình thức văn bản, đảm bảo đúng quy định, đúng thẩm quyền.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tự nhiên và rừng sản xuất sang đất giao thông và thương mại dịch vụ để triển khai các nhiệm vụ của Đề án, Phó Thủ tướng nêu rõ hiện nay đã có quy định pháp luật (chuyển đổi đất lúa) hoặc sẽ ban hành quy định mới có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2024 (chuyển đổi đất rừng), do đó Tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan xử lý nhanh theo quy định.
Về chỉ tiêu sử dụng đất giao thông giai đoạn 2026 - 2030 cho giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định rõ thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về việc để lại nguồn thu phí hạ tầng tại khu vực cửa khẩu trong thời hạn 03 năm hoặc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương để đầu tư cửa khẩu thông minh: Tỉnh tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính tại cuộc họp và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án phù hợp, khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, Tỉnh tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan để hoàn thiện trong Đề án, xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương theo đúng quy định.
“Các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong việc hoàn thiện Đề án theo quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ, khả thi, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2023, đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 01 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Mục tiêu chung hình thành định hướng, lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa. Chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.
Tạo điều kiện cho giao lưu, qua lại biên giới và quản lý phù hợp với luật pháp của mỗi nước, pháp luật và thực tiễn quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cụ thể; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương. Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và qua Trung Quốc sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững...