Thông tin về quá trình điều tra xác minh các vụ việc gian lận xuất xứ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng về mặt hàng gỗ, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp khai báo mặt hàng sản xuất trong nước nhưng qua điều tra chứng minh không sản xuất trong nước, toàn nhập khẩu nguyên chiếc về.
Mặc dù các doanh nghiệp khai mua của các nông trường, hộ nông dân, có xác nhận của chính quyền xã, nhưng thực tế là không có. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị, các đơn vị chức năng tại các địa bàn, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh, tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận "khống" thông tin về nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm xuất khẩu. Bởi các đối tác như Mỹ, Ấn Độ,... sẽ trừng phạt bằng các biện pháp kinh tế như thuế chống phá giá.
"Theo đó, chúng tôi kiến nghị với tư cách là cơ quan thường trực của Cơ chế một cửa quốc gia, chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu với các bộ ngành đặc biệt là hai cơ quan được giao cấp giấy chứng nhận xuất xứ là Bộ Công thương và VCCI, để kết nối với cơ quan hải quan kiểm soát để kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ này", ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Ngoài ra, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho hay, 6 tháng qua xuất hiện tình trạng buôn lậu hàng cấm thông qua tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh. Lực lượng Hải quan đã bắt giữ nhiều vụ việc, khi siết chặt các khu vực cảng biển, các đối tượng lại lợi dụng tạm nhập tái xuất hàng cấm sang Campuchia và Lào, hoặc nhập khẩu vào 2 nước này rồi xé lẻ đưa về Việt Nam gồm cả hàng cấm, hàng giả, hàng gian lận xuất xứ để lừa người tiêu dùng Việt Nam.