Chốt phiên giao dịch ngày 7/6, giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) giảm nhẹ 0,6% xuống mức 928,50 Nhân dân tệ (139,32 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá quặng sắt trên sàn DCE đã chạm mức cao nhất trong vòng 10 tuần trở lại đây.
Trong khi đó, giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt tại khu vực phía Bắc Trung Quốc tăng 1,2% lên 146,30 USD/tấn. Mức giá này thường được dùng làm giá tham khảo cho các hợp đồng quặng sắt giao ngay tại thị trường Trung Quốc và thị trường châu Á.
Đà tăng hiện nay của giá quặng sắt tại Trung Quốc chủ yếu nhờ thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép sẽ được cải thiện khi nhiều khu vực tại nước này đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sau hơn hai tháng áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt, giúp hoạt động sản xuất và xây dựng dần trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, lượng quặng sắt nhập khẩu tồn trữ tại các cảng biển của Trung Quốc giảm xuống cũng giúp giá quặng sắt trên thị trường tăng lên. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất thép và nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, hãng tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh Sinosteel Futures (Trung Quốc) nhận định nhu cầu đối với quặng sắt trong ngắn hạn đã và đang tăng mạnh hơn so với các dự báo trước đây nhưng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc vẫn đang ở mức thấp. Điều này có thể khiến giá quặng sắt khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, hãng tư vấn thị trường Fastmarkets (Anh) cho biết giá quặng sắt nhập khẩu qua đường biển tại Trung Quốc trong thời gian vừa qua không có quá nhiều biến động nhờ nhu cầu của các nhà máy sản xuất thép ở mức ổn định.
Trong năm 2021, sản lượng thép thô của Trung Quốc đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ hồi năm 2015 do nước này siết chặt các hoạt động sản xuất thép nhằm ngăn chặn ô nhiễm không khí. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tiếp tục giảm sản lượng thép của nước này trong năm nay.