Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 27/9, áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại, ngoại trừ những ngân hàng đã áp dụng tỷ lệ dự trữ 5%.
Đây là lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thứ hai trong năm nay, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế đang suy yếu.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng đã thông báo kế hoạch cắt giảm nói trên tại cuộc họp báo ngày 24/9, cùng với kế hoạch giảm một số lãi suất chính sách quan trọng và các biện pháp hỗ trợ thị trường vốn nhằm kích thích hoạt động kinh tế trước áp lực giảm phát kéo dài.
Theo Thống đốc PBoC, động thái này sẽ giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 142,44 tỷ USD) lượng vốn cho vay mới. Lãnh đạo PBoC cũng để ngỏ khả năng tiếp tục hạ RRR một lần nữa trong năm nay. Tùy thuộc vào tình hình thanh khoản trên thị trường Trung Quốc, PBoC có thể giảm RRR thêm 0,25-0,5 điểm phần trăm nữa.
Trước đó, ngày 5/2, PBoC đã cắt giảm 0,5 điểm phần trăm cho tất cả các ngân hàng. Như vậy, sau lần giảm này, tỷ lệ RRR trung bình cho các tổ chức tài chính hiện ở mức khoảng 6,6%. Nhưng giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng ít có nhu cầu vay mới với triển vọng kinh tế bất ổn như hiện nay.
Cũng trong ngày 27/9, PBoC đã cắt giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,7% xuống 1,5%. PBoC cho biết quyết định cắt giảm lãi suất này nhằm hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
Mặc dù theo các nhà phân tích, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ít có nhu cầu vay mới với triển vọng kinh tế bất ổn như hiện nay, những động thái kích thích này của Trung Quốc, bao gồm hạ lãi suất và RRR sẽ giảm phần nào gánh nặng về chi phí vay vốn cũng như tăng cường thanh khoản hệ thống, qua giúp phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,0% cho năm 2024, nhưng một số ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs, UBS và Bank of America gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/9/2024 cho thấy giá tiêu dùng gần như không tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, vào đúng thời điểm mà thu nhập của người lao động ở nước này suy giảm. Giá hàng hóa tại cổng nhà máy liên tục suy giảm.