Theo SCMP, các nhà khoa học đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã đạt được những tiến bộ mới trong việc chế tạo nguyên mẫu máy tính lượng tử Jiuzhang 3.0.
Các chuyên gia cho biết có tổng cộng 255 photon (những hạt cực nhỏ di chuyển với tốc độ ánh sáng) trong Jiuzhang 3.0, vượt xa con số 113 photon mà Jiuzhang 2.0 đã từng đạt được trước đó và 76 photon của Jiuzhang 1.0.
Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu cho biết Jiuzhang 3.0 giải quyết bài toán các mẫu Gaussian boson phức tạp nhất với tốc độ 1 phần triệu giây. Trong khi đó, Frontier - siêu máy tính nhanh nhất do Mỹ phát triển, đồng thời là máy tính mạnh nhất thế giới vào giữa năm 2022, sẽ cần hơn 20 tỷ năm để hoàn thành nhiệm vụ tương tự, theo nhóm nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ cho biết, do các loại máy tính lượng tử được thiết kế theo từng phương pháp riêng biệt, nên cần cân nhắc khi so sánh chúng với nhau.
Hiện tại, máy tính lượng tử được chia làm ba loại dựa trên thành phần cấu tạo, gồm: Máy tính lượng tử dựa trên điện tử (siêu dẫn), máy tính lượng tử dựa trên nguyên tử và máy tính lượng tử dựa trên photon (quang lượng tử).
Máy tính Jiuzhang này được chế tạo để chỉ thực hiện một nhiệm vụ là lấy mẫu Gaussian boson. Scott Aaronson, Giáo sư tại Đại học Texas, Austin và là người đồng phát minh phương pháp lấy mẫu Gaussian boson, nhận định "Jiuzhang được thiết kế chỉ để chứng minh “ưu thế lượng tử”.