Thành công nổi bật
Sau 1/3 thế kỷ cải cách thể chế, xúc tiến mở cửa, Trung Quốc có sự phát triển vượt bậc, tạo bước ngoặt lịch sử; làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế-xã hội đất nước. Với tăng trưởng trên 30 năm ở mức bình quân 9,7%/năm (đứng đầu thế giới), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã vượt Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản để đứng hàng thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Nhờ tăng trưởng hàng năm đạt 4,6% trong nông nghiệp, 11,4% về công nghiệp và dịch vụ 10,8% trong thập niên 1997-2007; cơ cấu GDP đã chuyển hóa tích cực với mức đóng góp 11,3% từ nông nghiệp; tỷ trọng công nghiệp 48,6% và dịch vụ chiếm 40,1%.
Trong nền kinh tế toàn cầu, giá trị công nghiệp Trung Quốc luôn ở nhóm 10 nước hàng đầu, chiếm hơn 11,2% của chuỗi giá trị tòan cầu về chế tác (UNIDO Scoreboard 2008) và trở thành cường quốc năng lượng thứ 2 với sản lượng sản xuất hàng năm gần 2,8 tỷ tấn than đá, 3 466 tỉ kWh điện, 190 triệu tấn dầu thô và hơn 76 tỉ m3 khí đốt. Hàng năm Trung Quốc cũng đã làm ra trên 584 triệu tấn thép cán, 500 triệu tấn thép phôi, 1,4 tỉ tấn xi măng, 11, 5 triệu ôtô máy kéo, gần 42 tỉ bộ mạch tổng hợp IT và hàng trăm triệu thiết bị điện tử khác... Cùng với phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông được mở rộng nhanh: chiều dài đường bộ vượt qua 8,58 triệu km, đường sắt đạt 78 nghìn km và đường hàng không trên 2,34 triệu km; Trung Quốc dẫn đầu thế giới nhiều năm về năng lực bốc xếp hàng hóa đường biển (đạt trên 3,88 tỉ tấn/năm). Với dung lượng tổng đài điện thoại trên 510 triệu và lượt người truy cập Internet vượt qua 210 tỉ/năm, quốc gia này đã đứng ở hàng đầu thế giới cả về quy mô mạng kết nối lẫn tốc độ phát triển IT (Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc 2008; Phạm Quốc Thái 2010).
Nhận xét về Trung Quốc, tờ Politique Etrangere ghi nhận, sức mạnh Trung Quốc bắt nguồn từ thành công kinh tế dựa vào tiềm năng rất lớn của thị trường và đã trở thành cường quốc thương mại thứ 3 thế giới (Politique Etrangere 2008). Khi nghiên cứu mô hình Trung Quốc, Kornai Janos (nhà kinh tế học người Hungari) chỉ ra, nếu một quá trình lịch sử thực có thể được dùng như hình mẫu, như tấm gương cho các nước khác noi theo thì Trung Quốc là độc nhất vô nhị. Tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc đạt được nhờ vào tỷ lệ đầu tư rất cao và tiêu dùng thấp là một giải pháp khả dĩ, có thể thực hiện được về mặt lịch sử (Kornai Janos 2010). Về Trung Quốc sau khủng hoảng tài chính châu Á (1997), Edward Steifeld cho rằng, đó là sự xuất hiện hoành tráng của thời đại và sự vươn lên mới mẻ lạ thường. Trong dòng chảy trên một thập niên, Trung Quốc đã đạt những thành tựu để hội nhập hoàn toàn vào trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu.Việc định hình chính sách xung quanh sứ mệnh phát triển và vị thế của mình đã tạo sức chuyển hóa rộng rãi về xả hội, để nhận ra những thách thức chính trị, kinh tế và xã hội mà đất nước sẽ phải đương đầu (Edward Steifeld 2010)
Hậu quả của tăng trưởng nóng
Phân tích tình hình chuyển đổi, cải cách và phát triển, năm 2011, Giáo sư Chì Phúc Lâm, Viện trưởng viện Nghiên cứu Cải cách Phát triển nhận xét, kinh tế Trung Quốc chịu nhiều thách thức từ tăng trưởng nóng; GDP tăng nhanh còn mức tiêu dùng không tăng mà suy giảm. Theo ông, phương thức phát triển kinh tế xã hội đã quá tập trung vào làm cho nhà nước giàu có trước với những đặc trưng cơ bản đó là:
-Tăng trưởng GDP nhanh hơn nhiều lần mức thu nhập của dân cư. Trong giai đoạn 2006 - 2010, GDP bình quân năm tăng 11,2%, thu nhập khả dụng của dân cư (thời kỳ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc) chỉ đạt 9,7% đối với đô thị và 8,9% ở khu vực nông thôn.
-Thu ngân sách giữ mức tăng cao hơn nhiều mức tăng thu nhập. Trong năm 2010, GDP tăng 10,3% nhưng mức tăng thu ngân sách vẫn giữ trên 20,8% (gấp hơn 2 lần)
- Nhà nước khống chế các nguồn tài nguyên và vốn nhà nước tăng nhanh hơn nhiều mức tăng trưởng GDP. Thời gian từ 2005 đến 2009, tổng tài sản doanh nghiệp nhà nước tăng bình quân trên 20,5%/năm, cao hơn nhiều lần tỷ lệ tăng GDP.
Tăng trưởng theo hướng nhà nước giầu có đã tạo những mâu thuẫn cơ bản, nổi bật là: Thiên về làm lớn tổng lượng kinh tế dẫn đến phát triển kinh tế-xã hội không cân bằng; Tăng trưởng kinh tế nặng về đầu tư và xuất khẩu làm cho cơ cấu đầu tư/tiêu dùng mất cân đối (từ 1978 đến 2008, mức tiêu dùng từ 62,1% giảm xuống 48,6%; tiêu dùng dân cư từ 48,8% xuống còn 35,3%; nông thôn với 700 triệu dân chỉ chiếm 8% tổng mức tiêu dùng cả nước). Mất cân đối giữa đầu tư và tiêu dùng đã trở thành mâu thuẫn nổi cộm trong đời sống và vận hành nền kinh tế (năm 2009, đầu tư mới cho công nghiệp nặng lên tới 46,6% tổng đầu tư tài sản cố định và tỷ trọng ngành dịch vụ liên tục nhiều năm dao động trong khoảng 40%). Do đầu tư tăng quá nhanh nên mức tiêu dùng xã hội ngày càng giảm thấp. Giảm tiêu dùng liên tục cùng với tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu đã làm phát triển kinh tế và việc vận hành vĩ mô càng thêm khó khăn (Chì Phúc Lâm 2011)..
Từ bản chất cơ cấu kinh tế, phân phối thu nhập quốc dân mất cân đối, tỷ lệ thu nhập của doanh nghiệp nhà nước và nhà nước liên tục gia tăng (giữa thập niên 1990 khoảng 16% hiện nay trên 20%); còn thu nhập dân cư liên tục giảm sút (từ 65% xuống còn 60%). Mất cân đối phân phối thu nhập là nguyên nhân khiến chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng. Theo Phương Thuyên Hỷ, khoảng cách phân phối thu nhập lần đầu của cư dân thành thị và nông thôn khoảng 3,3/1; nếu cộng thêm chênh lệch của dịch vụ công cơ bản thì mức chênh này lên tới 6 lần (Chì Phúc Lâm; Phương Thuyên Hỷ 2011).
Phân tích quá trình tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Canada, Wenran Jiang cho rằng, mô hình thực hiện đã lặp lại chính những gì các nước công nghiệp đã làm từ trên 300 năm trước. Hậu quả của quá trình này làm tổn hại môi trường và Trung Quốc đã trở thành một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới. Mặt khác, sự thịnh vượng của khu vực đô thị được tao dựng từ lao động rẻ của cư dân nông thôn, cũng làm gia tăng thêm khoảng cách giầu nghèo. (Weran Jiang 2009).
David Dapice, Giáo sư kinh tế nổi tiếng người Mỹ nhận xét, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc hình thành tài sản cố định và hàng xuất khẩu. Nếu rào cản thương mại được mở rộng, về nguyên tắc, Trung Quốc có thể chuyển sang phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng tiêu dùng chỉ chiếm 1/3GDP, khó có thể bù đắp được xuất khẩu sút giảm và những khoản đầu tư vào công nghệ và bất động sản. Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống dưới 6% từ năm 2018 và giữ ổn định khoảng 3-4% sau năm 2025 (David Dapice 2010).
Kornai Janos nhận xét, Trung Quốc đã đi quãng đường dài trong cải cách thị trường, song hệ thống thị trường và sở hữu tư nhân chưa được thiết lập thỏa đáng và điều đáng sợ là phát triển với tốc độ cao đã nảy sinh mất cân đối, thiếu cân bằng trong nền kinh tế. Một khi tiêu dùng cá nhân và xã hội gia tăng mạnh, khoảng cách chi phí lương và sản phẩm sản xuất so với các nước phát triển thu hẹp, thì chính sách kinh tế theo chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ khó bền vững (Kornai Janos 2010).
Trung Quốc đang đứng trước những tồn tại; nếu không xử lý tốt có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Cho dù trữ lượng tài nguyên còn có thể khai thác, song nhiều dạng năng lượng và nguyên vật liệu thiết yếu đã bắt đầu cạn kiệt, Trung Quốc đang trở thành nước nhập dầu mỏ lớn (năm 2007 nhập trên 200 triệu tấn) và đáng quan ngại là, lượng tiêu hao so với tăng trưởng kinh tế đã cao gấp 8 lần Nhật Bản (Dương Danh Dy 2009).
Cùng với cạn kiệt tài nguyên, tăng trưởng kinh tế đã đẩy ô nhiễm môi trường đến mức cực kỳ nguy hiểm. Nguồn nước trên các sông, hồ, nước ngầm và ở ven biển đều bị ô nhiễm. Hàng năm, khoảng 30 tỉ tấn nước bẩn và 24 tỉ tấn phế thải công nghiệp thải ra môi trường đã làm trên 10% sản phẩm cây công nghiệp bị nhiễm kim loại nặng. Ngoài ra, khói bụi của các nhà máy, khói xả của hàng trăm triệu phương tiện vận chuyển không qua xử lý, đã đưa Trung Quốc trở thành nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất.( Zhang Lijun 2009, Pan Yee 2006, Dương Danh Dy 2009).
Nông nghiệp và nông thôn là nơi đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, song thu nhập bình quân đầu người của khu vực này đã thấp hơn 3 lần so với khu vực đô thị. Người giầu nhất nắm giữ trên 20 tỉ USD, 23 triệu người có tài sản trên 1 triệu USD, nhưng vẫn còn trên 300 triệu người thu nhập dưới 1USD/ngày. (Dương Danh Dy 2009).
Chính sách dân số cùng với dịch vụ công kém phát triển gây nhiều vấn đề xã hội nhức nhối, làm cho cơ cấu dân số già nhanh, trở thành mối lo thực sự sau năm 2020. Nhiều dự báo cho rằng, số người trong tuổi lao động giảm mạnh sau năm 2015. Với số dân không có lương hưu chiếm 2/3, nhiều cặp vợ chồng ở tuổi lao động có trách nhiệm phụng dưỡng tới 4 bố, mẹ; thậm chí có thể tới 8 người kể cả ông, bà (David Dapice 2010; Dương Danh Dy 2009).
Nhiều phân tích đã nhấn mạnh, chuyển đổi kinh tế một cách hệ thống với việc kết hợp chức năng của Chính phủ và chức năng thị trường là một trong những vấn đề cơ bản... Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được chỉ đạo chặt chẽ từ phía nhà nước, được kích thích bằng nguồn đầu tư của các thực thể thuộc sở hữu nhà nước nhằm đảm bảo sự chi phối toàn bộ nền kinh tế. Cho đến nay, tất cả các tổng công ty quốc gia nòng cốt đều thuộc quyền sở hữu, kiểm soát của nhà nước và bảo hiểm cũng do nhà nước chi phối…
Thay cho lời kết
Nhằm khắc phục tình trạng bất cập trong phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng, cần bắt đầu từ điều chỉnh kết cấu quản lý, thay đổi từ chế độ hành chính từ kiểu quản lý sang kiểu phục vụ; thay đổi từ theo đuổi hiệu suất đến coi trọng công bằng và đưa phương thức tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu được thúc đẩy bởi nhu cầu bên trong. Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, được coi là trọng điểm cải cách trong giai đoạn mới đã được khởi đầu từ những chuyển hướng quan trọng của quy hoạch 5 năm lần thứ 12. Tập trung vào phát triển dựa trên tiêu dùng, trước hết làm giàu cho dân đã được dư luận xã hội Trung Quốc đặc biệt quan tâm...