Từ năm 1981, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số quy định về quản lý ngành Thuốc lá. Tháng 1/1982, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Tổng công ty Thuốc lá Trung Quốc (CNTC) và tháng 1/1984, thành lập Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc (STMA). Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc là đơn vị hành chính cao nhất quản lý ngành Thuốc lá, điều hòa hoạt động ngành Thuốc lá thông qua Tổng công ty Thuốc lá Trung quốc (CNTC).
Năm 1992, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Luật Độc quyền Thuốc lá (thay thế cho các quy định ra đời từ 23/9/1983). Theo đó, Nhà nước quản lý ngành Thuốc lá theo Luật Độc quyền, từ khâu sản xuất- kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đến xuất khẩu đều phải tuân thủ theo quy định của Luật. Kể từ khi Trung Quốc thực hiện Luật Độc quyền Thuốc lá và Điều lệ thực thi kèm theo, cho đến nay, cùng với quá trình sắp xếp lại, ngành Thuốc lá Trung Quốc đã có bước phát triển vượt bậc. Việc kiểm soát tác hại của thuốc lá đến sức khỏe người tiêu dùng cũng chặt chẽ hơn, hàm lượng tar và nicôtin trong thuốc lá đã giảm đáng kể. Các nhà máy sản xuất thuốc lá đã được đầu tư đổi mới công nghệ, nên thuốc lá Trung Quốc có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường trong nước.
Sáp nhập Cục Độc quyền Thuốc lá
Trước đây, Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc thuộc quyền quản lý trực tiếp của Quốc Vụ Viện (Chính phủ). Tại Kỳ họp thứ nhất khóa XI , tháng 3/2008, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua phương án cải cách cơ cấu Chính phủ. Theo đó, tân nội các chỉ còn 27 bộ và cơ quan ngang bộ (giảm một bộ) so với khóa trước. Trong đó, có “5 siêu bộ” và Ủy ban Năng lượng Quốc gia, Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc được sáp nhập vào Bộ Công nghiệp và Thông tin - một trong “5 siêu bộ”. Trong tương lai, Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc trở thành cơ quan quản lý, trong khi Tổng công ty Thuốc lá sẽ được chuyển thành doanh nghiệp hoạt động độc lập theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ giúp ngành Công nghiệp thuốc lá giảm bớt chi phí sản xuất và Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc sẽ kiểm soát được toàn bộ thị trường thuốc lá.
Sáp nhập các đầu mối sản xuất thuốc lá, nâng cao sức cạnh tranh
Ngành công nghiệp thuốc lá Trung Quốc hiện nay tuy có quy mô lớn nhưng bị phân tán, giá bán lẻ thấp, lợi nhuận của các công ty sản xuất thuốc lá thấp hơn nhiều so với các tập đoàn thuốc lá toàn cầu. Từ năm 2007, Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc đã tiến hành sắp xếp cơ cấu lại ngành Công nghiệp thuốc lá thông qua việc sáp nhập các đơn vị sản xuất với nhau. Việc sáp nhập này đã làm giảm đáng kể số lượng các nhà máy. Dự kiến, toàn bộ các công ty thuốc lá Trung Quốc sẽ sáp nhập lại thành 10 công ty thuốc lá với 10 nhãn hiệu chủ chốt, nhằm tạo ra các công ty sản xuất thuốc lá có quy mô lớn và sức cạnh tranh cao. Các vụ sáp nhập lớn gần đây nhất trong ngành Thuốc lá Trung Quốc là: Sáp nhập liên vùng giữa tỉnh Quảng Đông với Khu Tự trị Quảng Tây; Sáp nhập Tập đoàn Hongyun và Tập đoàn Honghe. Theo đó, Công ty mới thành lập - Hongyun Honghe có khả năng trở thành công ty thuốc lá lớn thứ tư trên thế giới về quy mô sản xuất (225 tỷ điếu/năm); Sáp nhập ngành Công nghiệp thuốc lá của thành phố Thượng Hải và tỉnh An Huy.
Các thực thể trong các vụ sáp nhập trên đều thuộc những vùng sản xuất thuốc lá chủ yếu của Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Châu, An Huy,…). Bản thân các công ty sáp nhập với nhau cũng đều là những công ty lớn, nằm trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, trong đó, Tập đoàn Thuốc lá Thượng Hải là Công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Trung Quốc, với doanh thu hàng năm đạt trên 40 tỷ nhân dân tệ. Tập đoàn Hongta xếp thứ 18 và Hongyun xếp thứ 20 trong số 200 doanh nghiệp với mức nộp ngân sách nhiều nhất năm 2008 ở Trung Quốc.
Song song với việc sáp nhập, tinh giảm đầu mối sản xuất kinh doanh thuốc lá, số lượng nhãn hiệu thuốc lá của Trung Quốc cũng giảm từ 1.800 nhãn còn 325 nhãn vào năm 2005 và đến năm 2008 chỉ còn 224 nhãn. Việc sáp nhập đã đem lại hiệu quả ban đầu, Cục Độc quyền Thuốc lá Trung Quốc cho biết, nộp ngân sách năm 2008 của ngành Thuốc lá Trung Quốc tăng 25%, chiếm 8% tổng thu ngân sách quốc gia.