Cụ thể, lãi suất cho vay một năm (1Y LPR) ảnh hưởng đến các khoản vay doanh nghiệp cùng với hầu hết các khoản vay gia đình tại Trung Quốc, trong khi lãi suất cho vay 05 năm (5Y LPR) đóng vai trò thước đo cho lãi suất thế chấp.
Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng GDP quý III tốt hơn dự kiến, đạt 4,6% so với cùng kỳ vào tuần trước. Các dữ liệu bổ sung kinh tế bao gồm doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp trong tháng 9 cũng vượt qua kỳ vọng, cho thấy dấu hiệu tích cực của một nền kinh tế đang suy giảm.
Sau một loạt các công cụ chính sách, bao gồm cắt giảm lãi suất, bơm thêm thanh khoản vào hệ thống và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), tuy nhiên để Trung Quốc tiếp tục phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng 5%, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) vừa tiếp tục đưa ra một số chính sách mới, trong đó có quyết định giảm lãi suất cho vay 01 năm và cho vay 05 năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Pan Gongsheng cho biết PBoC có thể tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 25-50 điểm cơ bản trước cuối năm, tùy thuộc vào tình hình thanh khoản.
Lãi suất mua lại ngược kỳ hạn 7 ngày sẽ được giảm 20 điểm cơ bản và lãi suất cho vay trung hạn sẽ được giảm 30 điểm cơ bản.
Việc đồng loạt giảm lãi suất cho vay và dự báo cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ như một cú huých kép, vừa giảm nhẹ gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp, vừa gia tăng nguồn vốn trong hệ thống. Điều này được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, và hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 27/9, PBoC đã cắt giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,7% xuống 1,5%. Đồng thời PBoC cho biết sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại, ngoại trừ những ngân hàng đã áp dụng tỷ lệ dự trữ 5%.