Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bình Thuận: Chú trọng đưa hàng Việt về với đảo xa

Trong những năm gần đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Thuận đã chú trọng tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để phục vụ bà con nhân dân. Đặc biệt, huyện đảo Phú Quý là một trong n

Huyện đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100 km) về hướng Đông Nam, là một đảo nhỏ bao gồm 3 xã, với tổng diện tích 16 km. Vì khoảng cách khá xa đất liền nên người dân Phú Quý ít có cơ hội tiếp xúc và tham dự nhưng phiên chợ hàng Việt. Thấy được điều này, Trung tâm XTTM tỉnh đã phối hợp với UBND Huyện đảo tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về Huyện đảo Phú Quý năm 2012” .




                                   Góc đảo Phú Quý- Bình Thuận

Tham gia Chương trình có 08 doanh nghiệp với 21 gian tiêu chuẩn (diện tích 5m x 4m), gồm 6 doanh nghiệp trong tỉnh với 18 gian hàng và 2 doanh nghiệp ở Đồng Nai với 3 gian hàng. Các mặt hàng tham dự phiên chợ chủ yếu là nước mắm; dịch vụ viễn thông; hàng bách hóa tổng hợp; quần áo thời trang nam, nữ và trẻ em…

Trong khuôn khổ phiên chợ, các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm ngay tại gian hàng với chất lượng tốt và giá cả phù hợp, thực hiện khuyến mãi, giảm giá (hầu hết các sản phẩm đều được giảm giá từ 10% đến 30%) đã thu hút hàng ngàn lượt người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Qua ba ngày hoạt động của chương trình, doanh số của các doanh nghiệp đạt gần 600 triệu đồng, gồm: Công ty TNHH TM DV Sài Gòn Phan Thiết (Co-opMart Phan Thiết) doanh số hơn 250 triệu đồng; Công ty Cổ phần thực phẩm Hồng Phú doanh số 15 triệu đồng; Mobifone chi nhánh Bình Thuận doanh số 15 triệu đồng; Viễn thông Bình Thuận (Trung tâm Viễn thông Phú Quý) doanh số 30 triệu đồng; Viettel chi nhánh Bình Thuận doanh số 15 triệu đồng; Cơ sở sản xuất nước mắm hải sản Toàn Hương doanh số 12 triệu đồng; DNTN Trương Tiến Hưng doanh số 120 triệu đồng; Công ty TNHH SX TM & DV Đỗ Lâm Gia doanh số hơn 20 triệu đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hiện khảo sát, nghiên cứu thị trường huyện Phú Quý, tìm kiếm đại lý, nhà phân phối sản phẩm, cụ thể: Công ty Cổ phần thực phẩm Hồng Phú đã có đại lý phân phối nước mắm Kabin tại huyện đảo Phú Quý nên chủ yếu thực hiện công tác quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; Trung tâm đã cùng Công ty TNHH TM DV Sài Gòn Phan Thiết (Co-opMart Phan Thiết), phòng Kinh tế và Hạ tầng đi khảo sát địa điểm giúp công ty mở chi nhánh tại huyện đảo.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã vận động các doanh nghiệp tham gia đóng góp 45 suất quà với số tiền là 13,5 triệu đồng (1 suất quà bằng tiền mặt trị giá 300.000đ) tặng học sinh vượt khó học giỏi của huyện Phú Quý trong buổi khai mạc Chương trình.

Chương trình “Đưa hàng Việt về huyện đảo Phú Quý 2012” là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, và cũng là một trong những chuơng trình trọng tâm của ngành Công Thương của tỉnh nhằm chào mừng 20 năm tái lập tỉnh và 37 năm ngày giải phóng Bình Thuận. Đây cũng chính là hoạt động xúc tiến thương mại ý nghĩa lớn, giúp cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng vùng biên giới và hải đảo của đất nước nói chung và huyện đảo Phú Quý nói riêng.

Bên cạnh đó, trong năm 2011, nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị phát động, Sở Công Thuơng Bình Thuận cũng đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức đuợc nhiều chuơng trình đưa hàng Việt về nông thôn. Cụ thể, đã tổ chức thành công 03 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tỉnh Bình Thuận năm 2011 tại: huyện Đức Linh cho 17 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; huyện Tuy Phong cho 21 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; huyện Tánh Linh cho 18 doanh nghiệp tham gia. Các chương trình này đã đạt được mục tiêu, kết quả theo kế hoạch đề ra, thu hút hàng nghìn lượt người tham quan, mua hàng giúp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn để có kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa và giúp người tiêu dùng ở nông thôn tiếp cận được sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Doanh thu của các doanh nghiệp gần 1.200 triệu đồng.

Ngoài ra, Trung tâm XTTM còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công Đồng Nai đưa doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tham gia 03 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại tỉnh Đồng Nai (KCN Biên Hòa 2, KCN Thạnh Phú, Nông trường Cao su Cẩm Đường) để các doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận, phát triển thị trường nông thôn tại tỉnh Đồng Nai.

Như vậy, song song với nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trên đất liền, Trung tâm XTTM Bình Thuận còn tích cực xây dựng và đưa vào hoạt động các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên đảo. Điều này góp phần tích cực vào việc phát triển đồng đều giữa các khu vực trong tỉnh. Đồng thời, giúp người dân cư ngụ trên đảo có thêm cơ hội tiếp cận và tiêu dùng hàng Việt.