Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa, hiểu rõ sự cần thiết và cấp bách về nhu cầu sử dụng khẩu trang trong mùa dịch, Ban chủ nhiệm Khoa Cơ khí đã họp các giảng viên có chuyên môn phù hợp nhằm triển khai dự án thiết kế và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế. Đây là một nhiệm vụ cấp thiết vì phải đảm bảo sao cho tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí nhất có thể. Phương án được lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly hình chữ nhật) và hàn quai siêu âm đơn điểm. Năng suất một máy tự động tạo thân có thể đạt tối đa 90 cái / phút trong khi năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái / phút. Do đó, để đảm bảo năng suất đồng bộ thì một máy tạo thân sẽ đi kèm với sáu máy hàn quai siêu âm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc cho biết thêm, khẩu trang y tế cơ bản được tạo thành bởi các lớp vải không dệt và lớp vải lọc kháng khuẩn. Vải không dệt và vải lọc kháng khuẩn đều làm từ nhựa có thành phần chính là polypropylene với công nghệ khác nhau. Do đó, để hàn được các lớp vải này với nhau, công nghệ hàn siêu âm là lựa chọn phù hợp.
Trong thiết kế này, khẩu trang y tế từ 3 đến 5 lớp đều có thể tạo ra được tùy vào số cuộn vải đưa vào. Một trong các lớp vải này là lớp vải lọc hay còn gọi là vải kháng khuẩn. Ưu điểm vượt trội của thiết kế này chính là chỉ sử dụng một hệ siêu âm, so với các thiết kế trước đây phải sử dụng đến hai hệ siêu âm tần số 20kHz.
Hiện nay, hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế đã chạy thử nghiệm thành công và khoa sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để sản xuất đại trà.
Được biết, hệ hàn siêu âm tần số 20kHz và công nghệ hàn siêu âm được nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ Khí chế tạo thành công từ năm 2018. Đây là kết quả từ 2 đề tài “Nghiên cứu chế tạo khuôn hàn siêu âm ứng dụng hàn vải không dệt” (2015) và “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị hàn siêu âm ứng dụng hàn các chi tiết nhựa nhiệt dẻo” (2016) do nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thanh Hải thực hiện, Trường ĐH Bách Khoa và ĐHQG-HCM cấp kinh phí.