Tới dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đại diện lãnh đạo một số các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương; các đại biểu nguyên lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên qua các thời kỳ; các đơn vị đối tác trong và ngoài nước…
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, thay mặt hơn 1.500 cán bộ, giảng viên và hơn 35.000 ngàn học viên, TS Kiều Xuân Thực - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tròn 125 năm tuổi, đánh dấu 18 năm phát triển trong hệ thống giáo dục đại học và đánh dấu mốc son mới trong lịch sử ngôi trường trải dài 3 thế kỷ.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt với nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, Nhà trường đã hoàn thành đánh giá cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2, hoàn thành đánh giá 5 chương trình theo chuẩn ABET, được đánh giá xếp hạng đại học đối sánh UPM đạt chuẩn 5 sao, đã bước đầu thành công trong đổi mới mô hình quản trị, thành lập 2 trường thuộc Trường trong mục tiêu thành lập 5 trường vào năm 2025.
“Đặc biệt, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được đánh giá xếp hạng đại học đối sánh UPM đạt chuẩn 5 sao, đã bước đầu thành công trong đổi mới mô hình quản trị, thành lập 2 trường thuộc Trường trong mục tiêu thành lập 5 trường vào năm 2025”, TS Kiều Xuân Thực nhấn mạnh.
Trải qua hành trình 3 thế kỷ, với nền móng của trường kỹ nghệ 125 năm truyền thống, với sức bật vững chắc trong 18 năm đứng trong hệ thống giáo dục đại học, Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tạo bệ phóng vững chắc để phát triển một đại học chất lượng cao, có vị trí, vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Truyền thống kỹ nghệ trăm năm
Tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là Trường chuyên nghiệp Hà Nội (thành lập năm 1898, sau này đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội); Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng (thành lập năm 1913, đến năm 1921 đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng, sau này đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật I). Trong những năm chiến tranh, cả hai trường nhiều lần di chuyển địa điểm, nâng cấp, đổi tên, năm 1997 hai trường sáp nhập, nâng cấp, đổi tên thành Trường Trung học Công nghiệp I, năm 1999 thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và năm 2005 là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Trên nền tảng sức mạnh truyền thống được kế thừa từ các trường tiền thân, ĐHCNHN đã, đang tiếp tục khẳng định tính ưu việt của một mô hình đại học mới, nhân lên những giá trị mới, từng bước phát huy hiệu quả mô hình quản trị đại học tiên tiến, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Trên hành trình trải dài 3 thế kỷ, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã phát triển không ngừng, tạo dựng những thành công mới. Sau 18 năm đứng trong hệ thống giáo dục đại học, Nhà trường tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục mở, khai phóng, thực sự là chắp cánh, hiện thực hóa ước mơ và hoài bão của người học; ở đây, sinh viên được nuôi dưỡng sự đam mê, tinh thần sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi không ngừng của môi trường trong nước và quốc tế.
“Từ một trường “non trẻ” trong hệ thống các trường đại học nước nhà, sau 18 năm nâng cấp lên đại học, đội ngũ cán bộ, giảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng; các chương trình đào tạo của Nhà trường được thiết kế đạt chuẩn quốc gia, tiên tiến, bám sát chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp đang cần và sẽ cần trong tương lai gần. Những giá trị truyền thống cùng sự đổi mới là chìa khóa để sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời có năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong công việc. Tỷ lệ sinh viên của Nhà trường có việc làm sau tốt nghiệp 6 tháng đến 1 năm của các ngành đào tạo đạt từ 90 - 100%”. TS Kiều Xuân Thực cho biết.
Xu hướng của giáo dục đại học ngày nay là mô hình “đại học đổi mới, sáng tạo” gắn liền với quản trị đại học tiên tiến. Đại học Công nghiệp Hà Nội hướng đến phát triển thành một đại học đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, trong đó một số đơn vị chuyên môn được tổ chức thành trường, viện, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp trực thuộc. Hiện nay, Nhà trường đã thành lập 2 trường thuộc Trường, đó là Trường Ngoại ngữ - Du lịch và Trường Cơ khí - Ô tô. Với mục tiêu đến năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ phát triển mô hình quản trị mới, trong trường có Trường, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp và có từ 3-5 trường thuộc, trực thuộc.
Một kết quả nổi bật mà nhà trường đã tạo dựng được trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong những năm đổi mới, đó là nguồn tài chính bền vững, với nhiều cơ chế, chính sách ưu việt để đầu tư, tạo môi trường làm việc, học tập tốt nhất cho cả người dạy và người học.
Những thành tựu ấy là kết quả của sự đoàn kết và kế thừa truyền thống; sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn thử thách với tinh thần chủ động, sáng tạo; với trí tuệ, trách nhiệm và sự hy sinh của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường qua nhiều thế hệ.
TS Kiều Xuân Thực trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ và chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công Thương, các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các đối tác, bạn bè trong nước và quốc tế.
Hoàn thành mục tiêu phát triển đại học thông minh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiến tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng nắm bắt, vận dụng nhanh, có hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ yêu cầu của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính quyết định.
Với nền tảng truyền thống của một trường kỹ nghệ từ thời Pháp thuộc, trong nhiều năm qua ĐHCNHN đã làm tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nhà trường đã có hướng đi đúng đắn cho mục tiêu chiến lược phát triển mô hình đại học có bản sắc, đó là mô hình đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của xã hội trong từng giai đoạn.
“Hàng năm, HaUI có số lượng thí sinh dự tuyển thuộc tốp các trường hàng đầu cả nước. Với trên 95% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp điều này chứng tỏ uy tín chất lượng đào tạo của nhà trường được tin tưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận xét.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường, sự mạnh dạn đổi mới, bứt phá để khẳng định vị thế, uy tín; khẳng định được năng lực, trình độ chuyên môn, quản lý của các thầy, cô giáo, sự gắn kết chặt chẽ của nhà trường với thực tiễn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và giảng dạy lý thuyết và thực hành, giữa nghiên cứu và ứng dụng. Thay mặt Bộ Công Thương Thứ trưởng ghi nhận và biểu dương chúc mừng những thành tựu xuất sắc mà các thế hệ thầy cô giáo và học sinh sinh viên Nhà trường trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thời gian tới cần thực hiện các nhiệm vụ:
Thứ nhất, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Thứ hai, tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo; đội ngũ giảng viên phải có trình độ chuyên môn cao, có năng lực trong nghiên cứu để làm tốt vai trò hướng dẫn người học, phải là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức. Đại học Công nghiệp Hà Nội phải là nơi thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy; là nơi ươm mầm tài năng cho đất nước.
Thứ ba, chủ động tích cực hội nhập quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên và sinh viên, đặc biệt khuyến khích các nghiên cứu có tính hội nhập quốc tế; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này.
Thứ tư, phát huy tốt tự chủ đại học, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà trường; hoàn thành mục tiêu phát triển đại học thông minh.
Tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là Trường chuyên nghiệp Hà Nội (thành lập năm 1898, sau này đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội); Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng (thành lập năm 1913, đến năm 1921 đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng, sau này đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật I). Trong những năm chiến tranh, cả hai trường nhiều lần di chuyển địa điểm, nâng cấp, đổi tên, năm 1997 hai trường sáp nhập, nâng cấp, đổi tên thành Trường Trung học Công nghiệp I, năm 1999 thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và năm 2005 là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Tập thể cán bộ, giảng viên và 01 cá nhân, Công đoàn Công Thương Việt Nam tặng Cờ thi đua cho Tập thể người lao động của HaUi và 02 cá nhận được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.