Từ hỗ trợ tiêu thụ đến kích thích phát triển kinh tế miền núi

Hỗ trợ tiêu thụ đã kích thích mạng lưới sản xuất ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thu nhập tốt cũng giúp bà con các dân tộc sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn tiêu thụ ở các siêu thị, trung tâm thương mại nơi các đô thị lớn và hướng tới xuất khẩu theo đường chính ngạch sang một số thị trường nước ngoài.
miền núi

Từ hỗ trợ tiêu thụ…

Trong phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương là một đầu mối kết nối, không chỉ về cung - cầu mà còn kết nối để xây dựng những mạng lưới cùng nhau hỗ trợ phát triển và tiêu thụ hàng hóa, từ đó kích thích sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Trong đó, sản phẩm đến từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là một trong những nội dung nhận được sự ưu tiên đặc biệt. Trong mạng lưới đồng hành từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có rất nhiều doanh nghiệp chung tay, cũng như các cơ quan truyền thông báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành đã hỗ trợ, và đặc biệt là sự ủng hộ cũng như hưởng ứng khá mạnh mẽ từ các địa phương,  hệ thống phân phối, và các hệ thống thương mại điện tử lớn.

Với sự kết nối này, từ trước đến nay đã có những hoạt động hỗ trợ cho những dòng hàng khó khăn nhất của các vùng khó khăn nhất, tiếp cận được với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế, đưa ra cả những kênh phân phối xuất khẩu. Trong đó có 3 điểm đổi mới:

Thứ nhất, các hệ thống phân phối trong nước đã ưu tiên kết nối online để hỗ trợ và nhận luôn những phần hàng hóa của các địa phương đưa vào quầy kệ của mình, dành một không gian rất đẹp, trân trọng ở phía trước mặt tiền các trung tâm thương mại, siêu thị - nơi người tiêu dùng đến mua sắm tiếp cận đầu tiên - để bán những phần hàng dành riêng cho các tỉnh, địa bàn miền núii, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Thậm chí còn bỏ cả chi phí ra để trang trí, biểu diễn văn nghệ thu hút người tiêu dùng đến. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng này cũng rất tốt.

Thứ hai, với sự đổi mới của các Bộ, ngành và thông qua nhiều chương trình mới được ban hành như Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, trong đó có dòng hàng OCOP đại đa số cũng đến từ những địa bàn khó khăn này và một số vùng nông thôn… đã được hỗ trợ về marketing ở quy mô quốc gia hay cấp tỉnh, để người tiêu dùng biết đến nhiều và đưa vào hệ thống phân phối trong nước, từ hệ thống phân phối lớn cho đến những cửa hàng nhỏ, hay những cửa hàng chuyên doanh như Craft Link để mọi người có thể tiếp cận và mua được.

Thứ ba, đặc biệt hơn nữa là sự gắn kết giữa các ngành với nhau và một trong những ngành đã thu hút được khách du lịch đến là  du lịch -  văn hóa với những lễ hội đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại miền núi, hải đảo. Hay là việc mang hàng về miền xuôi thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá, chương trình kích cầu du lịch đã kéo được người tiêu dùng, khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến để mua hàng hóa và được trải nghiệm ngay những hàng hóa đó tại nơi sản xuất.

Thương mại xuyên biên giới của các kênh thương mại điện tử cũng đã được mở rộng, góp phần đưa hàng hóa đi xa.

Bên cạnh đó là sự sáng tạo của địa phương, doanh nghiệp. Điển hình như One Mount Group có gói giải pháp về tài chính, về nguồn hàng, đào tạo con người và cung cấp trang thiết bị cho các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương trong chợ truyền thống sử dụng được hàng hóa thiết yếu để phân phối với giá cạnh tranh, có thể gọi là giải pháp One-shot. Nếu các doanh nghiệp lớn cùng nhau làm được việc đó thì các hệ thống tạp hóa sẽ không bị các doanh nghiệp đưa hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi lẽ, bản thân các hệ thống tạp hóa có giới hạn trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật và họ cũng gặp khó khăn trong việc đàm phán với các nhà cung cấp cho họ hàng hóa với giá cả có cạnh tranh.

Đồng thời, việc thúc đẩy hoạt động du lịch ở địa phương cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh. Như điểm du lịch Hồ Ba Bể đã thu hút du khách và tiêu thụ hàng ngàn tấn bí xanh Bắc Kạn. Hoặc gạo ngon ở vùng Mù Cang Chải cũng rất dễ bán khi hàng ngàn du khách nô nức tới check-in vùng ruộng bậc thang mùa lúa chín.

Với những nỗ lực đó, việc đưa hàng hóa đến cho các tổ chức sản xuất, đến người tiêu dùng ở khu vực miền núi, hải đảo bước đầu đổi mới, nhất là đã tổ chức được hệ thống thương mại văn minh, hiện đại và có nguồn gốc xuất xứ bảo vệ được người tiêu dùng.

…đến kích thích sản xuất

Mở rộng tiêu thụ đã kích thích mạng lưới sản xuất ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Lương Sơn là một huyện bán sơn địa của tỉnh Hòa Bình, là nơi cư trú của 3 dân tộc chính Mường, Dao, Kinh, trong đó người Mường chiếm khoảng 70% dân số. Nhờ kết nối với hệ thống siêu thị ở các đô thị lớn, nên phát triển được nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Điển hình là rau hữu cơ. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hiện tổng diện tích trồng rau hữu cơ của toàn huyện 22,3 ha, trong đó đã có 12,323 ha rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt khoảng 80 - 100 tấn/năm; giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 13,4 ha cây ăn quả của hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Tân (xã Cao Dương) được cấp chứng nhận hữu cơ. Cùng với sản xuất hữu cơ, các hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đã có 119,4 ha cây ăn quả có múi, chuối, nhãn, ổi được chứng nhận VietGAP và một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, ong mật, dê. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của huyện Lương Sơn chủ yếu tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị tại Hà Nội.

Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được biết đến với địa hình núi đá, là nơi sinh sống của các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao…Nơi đây được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu thời tiết vô cùng thuận lợi điều này tạo điều kiện cho na Chi Lăng phát triển. Vùng sản xuất Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Từ năm 2021, hội nông dân huyện Chi Lăng phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và bưu điện huyện tổ chức hội nghị tập huấn tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart cho chủ tịch, phó chủ tịch hội nông dân 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhờ đó, na Chi Lăng cất cánh bay xa tới các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Tiêu thụ tốt giúp bà con các dân tộc ở đây yên tâm, phấn khởi mở rộng diện tích trồng na lên trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng na của huyện đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang một số thị trường nước ngoài.

Hải Sơn