Hiện nay, mức lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà. Với mức lãi suất này, đại diện nhiều đơn vị như Tập đoàn VinGroup, Tổng công ty Becamex, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh … đều cho rằng đây là con số khá cao và kiến nghị tiếp tục giảm.
Về phía ngân hàng, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, bản chất gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Lãnh đạo Vietinbank thừa nhận, mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, những chính sách phải qua doanh nghiệp, qua ngân hàng mới thực hiện được thì đều không thành công vì bắt ngân hàng phải cho vay lãi suất thấp, bắt ngân hàng phải chịu mọi rủi ro về chính sách.
Đối với chính sách phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ và người được thụ hưởng là đối tượng liên quan trực tiếp. Trong khi đó, doanh nghiệp và ngân hàng là đối tượng truyền tải chính sách. Đây là những đối tượng theo kinh tế thị trường, vì vậy không nên để họ phải chịu thiệt.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia cho rằng, muốn làm nhà ở xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực. Nhà nước không thể chỉ ban hành chính sách rồi giao cho thị trường tự làm.
Lấy ví dụ từ Singapore - quốc gia được đánh giá là giải quyết thành công nhất bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp tại châu Á, TS. Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng, bất cứ ai mua nhà ở Singapore đều được hưởng chế độ nhà ở của người dân Singapore và chỉ phải trả 2,5% lãi suất vay ngân hàng. Phần chênh lệch so với lãi suất thị trường được Chính phủ bù đắp. Như vậy ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi đã có Chính phủ hỗ trợ.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 - 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Việc bù lãi suất của Chính phủ sẽ hiệu quả hơn so với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội chắc chắn thành công.
Để có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, đại diện Vietinbank cũng đề nghị Chính phủ xem xét thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối và huy động thêm từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường.
Nhấn mạnh phải dùng ngân sách để hỗ trợ chương trình phát triển nhà ở xã hội, TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề cập đến gói chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43. Theo TS. Hoàng Văn Cường, gói 40.000 tỷ đồng này hầu như không giải ngân được, nên chuyển sang chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp.
Nâng thời hạn cho vay nhà ở xã hội
Tại Hội nghị, bên cạnh lãi suất, thời hạn cho vay cũng là một vấn đề được đại diện các đơn vị quan tâm. Thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với khách hàng cá nhân.
Quy định về thời hạn cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện chưa có sự đồng bộ giữa chủ đầu tư và khách hàng. Trong khi khách hàng được vay 5 năm thì chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm. Vì vậy, nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội.
Theo ông Trương Anh Tuấn, nếu khách hàng được vay 5 năm thì chủ đầu tư cũng phải được vay 5 năm.
Ngoài ra, thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi như quy định hiện hành được đánh giá là khá ngắn. TS. Hoàng Văn Cường đề nghị tăng thời hạn cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, đảm bảo ít nhất đủ một chu kỳ để doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.
Đối với đối tượng mua nhà, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra ý kiến kỳ hạn cho vay mua nhà phải dài. TS. Lê Xuân Nghĩa lấy ví dụ về kỳ hạn mua nhà tối thiểu ở Mỹ và Singapore đều là 30 năm. Tại vùng người Đức ở Thụy Sĩ, kỳ hạn cho vay mua nhà thậm chí lên tới 88 năm.
Đại diện Tổng công ty Becamex - đơn vị đã thực hiện trên 45.000 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Nguyễn Văn Thanh Huy cũng nhất trí kéo dài thời hạn cho vay đối với người lao động.