Từ ngày 1/1/2009, Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường

Chiều ngày 25/12/2008, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về việc Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường bán lẻ, với thời gian được ấn định bắt đầu từ ngày 1/1/2009.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, không phải từ 1/1/2009 Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ, mà việc mở cửa đã thực hiện ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO (tháng 1/2007). Thứ trưởng cũng cho biết, thực hiện theo cam kết, các nhà đầu tư nước ngoài đã được đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phân phối theo hình thức liên doanh. Trong đó, vốn điều lệ không vượt quá 49%. Từ 1/1/2008, các nhà đầu tư nước ngoài không còn bị hạn chế tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, phải thành lập công ty dưới hình thức góp vốn liên doanh. Nhưng bắt đầu từ 1/1/2009, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức 100% vốn.

Về lập cơ sở bán lẻ, quyền phân phối của nhà đâu tư nước ngoài gắn liền với quyền được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất. Khi nhà đầu tư muốn lập cơ sở bán lẻ thứ hai, sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT (nghĩa là số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý).

Theo Bộ Công Thương, tuy mở cửa thị trường, nhưng nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia phân phối các loại hàng hoá như, lúa gạo, đường, thuốc lá, xì gà, dầu thô và dầu đã qua chế biến, dược phẩm, thuốc nổ, sách báo, tạp chí, kim loại, đá quý, vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu (đĩa, băng, các phương tiện đã lưu trữ thông tin…). Một số hàng hoá mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia phân phối cũng phải tuân thủ theo lộ trình. Từ 1/2/2009 các mặt hàng được phân phối là máy kéo, phương tiện cơ giới, ô tô con và xe máy; từ 1/1/2010 là rượu, xi măng, clinke, phân bón, giấy, sắt thép, lốp xe, thiết bị nghe nhìn.

Trước thời điểm mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết WTO, Bộ Công Thương cũng nhận định, Việt Nam là một thị trường tuy nhỏ, nhưng tốc độ phát triển nhanh, tiềm năng lớn nên có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo Hãng Tư vấn A.T Kearney (Hoa Kỳ), Việt Nam từ vị trí 4/7 nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới đã vươn lên đứng đầu trong năm 2008. Do đó, việc mở cửa thị trường chắc chắn sẽ được các tập đoàn phân phối nước ngoài nhằm đến trong chiến lược kinh doanh của họ.

Bộ Công Thương cũng cảnh báo, các nhà phân phối bán lẻ trong nước không nên chủ quan khi cho rằng, việc mở cửa thị trường không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Tuy đang chiếm trên 85% lượng luân  chuyển hàng hoá bán lẻ, mạng lưới bán lẻ khá dày đặc lại có lợi thế là hiểu biết văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam…, nhưng các doanh nghiệp trong nước đang yếu về năng lực cạnh tranh, quản lý lạc hậu, cơ sở hạ tầng chưa hiện đại, chiến lược kinh doanh chưa tốt, thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp...