Dệt may tăng 20%/năm
Ngành Da giày và Dệt may nước ta cho đến nửa cuối những năm 1980, ngành Dệt may Việt Nam chỉ quan hệ chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa nên phần lớn sản phẩm dệt may được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu.
Đặc biệt với Liên Xô, ngành Dệt may nước ta khá yên ổn với Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô ngày 19/5/1980, thường được biết đến với tên gọi: Hiệp định 19/5. Theo đó, mỗi năm Liên Xô cung cấp cho nước ta 6 vạn tấn bông, một nửa giá trị số bông đó Việt Nam trả bằng sản phẩm may mặc, chủ yếu là quần áo bảo hộ lao động; một nửa số bông còn lại chính là tiền công, được ta dùng may mặc phục vụ nhu cầu nội địa, trong đó có cả lực lượng vũ trang.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hệ thống quản lý yếu kém, thiếu vốn,… nhưng nhờ chính sách vĩ mô của Nhà nước và Chính phủ trong việc ban hành “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” đã giúp mở cửa thị trường, kích cầu kinh tế, giúp cho ngành dệt may được tiếp cận với những công nghệ mới, phát triển vượt bậc và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Khi thị trường xã hội chủ nghĩa tại các nước Đông Âu sụp đổ, cũng như việc Việt Nam chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường đã khiến cho các doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp nhà nước) gặp không ít khó khăn.
Đến khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 114/HĐBT năm 1992 cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền xuất nhập khẩu; cho phép mọi hàng hóa (trừ danh mục hàng hóa do nhà nước quản lý) được xuất nhập khẩu; cùng với việc Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Buôn bán hàng Dệt may, ngành này bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng trên 20%.
Ngành da giày tăng thần tốc
Đối với ngành Da giày, Việt Nam chủ yếu thực hiện chương trình gia công mũ giầy cho Liên Xô cũ. Khi hệ thống XHCN ở Liên Xô sụp đổ, ngành da giày đối mặt với cuộc khủng hoảng do không có thị trường, nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên giai đoạn này kéo dài không lâu, từ năm1993, ngành Da Giày đã khởi sắc trở lại nhờ làn sóng di chuyển sản xuất từ các nước công nghiệp phát triển và các nước công nghiệp mới (NIEs) sang các nước đang phát triển.
Ngành Da giày Việt Nam bắt đầu tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ các nước thông qua đầu tư FDI. Cùng với đó là sự dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc sang Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm của ngành da giày đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 1993-1995 đạt hơn 20%/năm.
Ngày 17/7/1995, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định khung về hợp tác (FCA), tạo đà cho kim ngạch mặt hàng này sang EU tăng nhanh trong giai đoạn sau. Năm 1995 đạt trên 480 triệu USD, đến 1999 đã tăng hơn gấp đôi, đạt trên 1,3 tỷ USD.