Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang cũng thành lập Đoàn liên ngành Kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm thành viên Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tuyên Quang.
Từ 01/7/2022 đến ngày 09/12/2022, Sở Công Thương đã chủ trì Đoàn liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại UBND các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương.
Từ ngày 07/11/2022 đến ngày 16/11/2022, Đoàn liên ngành đã kiểm tra công tác quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý ngành Công Thương, cụ thể: Kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 07/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc Phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Kiểm tra các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện; tình hình quản lý các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (kể cả các hộ kinh doanh tại chợ, cửa hàng tiện lợi); công tác giáo dục truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về An toàn thực phẩm; Tình hình cấp phép, quản lý đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công và các sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột; Tình hình kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Từ 07/11/2022 đến ngày 09/12/2022, Sở Công Thương đã chủ trì Đoàn liên ngành kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đợt kiểm tra này, Đoàn liên ngành đã kiểm tra thực tế tại 30 cơ sở sản xuất kinh doanh, là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh và chủ yếu tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất sản phẩm chính tại địa phương như: rượu, phở, bún, bánh mỳ, bánh gai, Dầu thực vật,… Các cơ sở kiểm tra đã được lựa chọn ngẫu nhiên, sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành cùng nhau phân tích, đánh giá về mục đích, yêu cầu và các chỉ tiêu cần kiểm tra, xác minh đối với việc đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Nội dung kiểm tra bao gồm: Hồ sơ pháp lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực tế tại cơ sở và đã lấy 15 mẫu thực phẩm (bao gồm: 05 mẫu rượu, 05 mẫu bún, phở và 05 mẫu bánh) của 15 cơ sở để kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.
Kết quả sau kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định. Cụ thể, đã phát hiện 03 cơ sở vi phạm quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có 02 cơ sở vi phạm quy định về việc sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; 01 cơ sở vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến, không bao gói sẵn, bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Qua công tác kiểm tra của Đoàn liên ngành đã đánh giá được thực trạng, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của UBND cấp huyện. Thông qua công tác kiểm tra, hậu kiểm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.