Nâng cao nhận thức người tiêu dùng
Dịp cuối năm, các loại thực phẩm có sức tiêu thụ tăng nhiều lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, thời tiết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.
Các chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn dùng.
Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng khi lựa chọn bất kỳ hàng hóa, thực phẩm nào điều đầu tiên cần chú ý đến là chứng nhận vệ sinh an toàn sức khỏe, thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Hầu hết các mặt hàng, sản phẩm được bày bán tại các siêu thị đều đầy đủ những thông tin này, tuy nhiên thói quen tiêu dùng tại các chợ của đại đa số người còn chưa chú ý đến những điều này. Hơn nữa, hàng hóa, thực phẩm được bày bán ngoài chợ thường có quy trình xử lý, đóng gói và bảo quản không qua kiểm định của cơ quan chức năng, việc tiêu dùng chỉ dựa vào kinh nghiệm và cảm tính của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng cần chú ý hàng hóa, thực phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ. việc này giúp giúp hạn chế mua phải những mặt hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng nên lựa chọn những nhà cung cấp đã có uy tín trên thị trường và quen thuộc đối với thói quen tiêu dùng của mình.
Cục An toàn thực phẩm đã khuyến cáo, người tiêu dùng không nên sử dụng các thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc.
Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ. Bên cạnh đó, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh.
Người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.
Tăng cường giám sát vì sức khỏe người tiêu dùng
10 tháng đầu năm 2022, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm vẫn tồn tại là do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn cả nước lớn nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Công nghệ sản xuất, chế biến chủ yếu theo phương pháp thủ công nên việc bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý chất lượng nguyên liệu, vật tư nông nghiệp ở một số địa phương vào một số thời điểm chưa được thực hiện nghiêm túc...
Xác định công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe của nhân dân, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Cục ATTP, dịp cuối năm, các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại các tỉnh thành cần tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung trên địa bàn quản lý, phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật.
Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn.
Những mặt hàng chú trọng kiểm tra là những hàng hoá được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.
Thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào một số nội dung, như: Giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh, thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin tuyên truyền về các văn bản mới và thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tích cực tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.
10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm:
1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn: Nếu tay cóvết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.