Đối với ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Ngành vải may của Việt Nam hiện nay đạt sản lượng khoảng 2,3 tỷ m2/năm, đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước.
Trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD vải phục vụ cho ngành may mặc. Vải sản xuất trong nước phần lớn được sử dụng để sản xuất quần áo chất lượng trung bình và thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Điểm nghẽn chủ yếu đối với CNHT ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường để phát triển ngành dệt nhuộm vẫn chưa được quan tâm đúng mức đã hạn chế việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang.
Đối với ngành da – giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện đạt 40 - 45%.
Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam.
Một số loại nguyên phụ liệu đang được sản xuất tại Việt Nam là: da thuộc, giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, chỉ may, dây giày, cactong (làm đế trong), vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện bằng kim loại, phụ liệu nhựa, keo dán, hóa chất...
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu về các chỉ tiêu cơ lý, độ đều màu, bền màu, các yêu cầu về an toàn sinh thái.
Trong bối cảnh công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu trên thế giới đã ở mức rất cao và mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng thay đổi nhanh theo xu hướng thời trang, những hạn chế về công nghệ và nhân lực của CNHT ngành da giày trong nước càng trở nên rõ ràng hơn.
Sản xuất nguyên vật liệu cần đầu tư vốn lớn và cần có sự kết hợp của nhiều ngành (cơ khí, tự động hóa, hóa polime...) và cần giải quyết vấn đề môi trường, nhất là trong sản xuất thuộc da, dệt vải, làm giả da, đế cao su.
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).
Đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; linh kiện điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%. Tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao đạt 5%.