Ứng dụng thành công đề tài KC.05.11 vào sản xuất ở Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Duyên Hải

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo bánh răng cỡ lớn có độ bền cao dùng cho hộp giảm tốc có khoảng cách tâm từ 1000 mm trở lên” mang mã số KC- 05-11 là đề tài cấp nhà nước được Công ty TNHH Một thàn

 

 

Hộp giảm tốc là thiết bị tiêu chuẩn, được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp. ở nước ta, việc chế tạo hộp giảm tốc mới chỉ dừng ở những con số khiêm tốn. Ngoài Công ty Cơ khí Duyên Hải là đơn vị có truyền thống hơn 45 năm sản xuất và cung cấp các chủng loại hộp giảm tốc cho các ngành công nghiệp và kinh tế, còn một vài doanh nghiệp trong và ngoài ngành cũng tham gia sản xuất hộp giảm tốc nhưng chủ yếu phục vụ cho trang bị nội bộ là chính. Vì vậy, phần lớn hộp giảm tốc vẫn phải nhập ngoại, nhất là các hộp có khoảng cách tâm từ 1000mm trở lên được nhập về từ Liên Xô (cũ), Pháp, Nhật, Rumani, Trung Quốc... Những thiết bị này đã hoạt động trên dưới 10 năm, hầu hết đang ở trong tình trạng bị hư hỏng. Vì vậy, nhu cầu cung cấp và bảo dưỡng hộp giảm tốc trên thị trường rất lớn và đang bị bỏ trống...

Đứng trước nhu cầu cấp bách đó, năm 1998, Công ty Cơ khí Duyên Hải đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ chế tạo bánh răng cho hộp giảm tốc có khoảng cách tâm từ 1000mm trở lên.

Những năm trước đây, Công ty đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo nhiều loại hộp giảm tốc, trong đó có một số loại có kích thước đến 1600mm. Tuy nhiên, do bánh răng của loại hộp giảm tốc này được tạo phôi bằng phương pháp đúc thép, ghép vành răng vào moay ơ bằng phương pháp ghép bulông tinh, nên vành răng chưa đạt được yêu cầu về độ bền. Do vậy, để lựa chọn một phương án có kết cấu và công nghệ phù hợp với trang thiết bị hiện có mà vẫn đảm bảo được yêu cầu độ bền cao của bánh răng lớn là một vấn đề khá nan giải. 

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 phương án chế tạo bánh răng có D > 1000mm để lựa chọn. Phương án đầu tiên là chế tạo bằng phương pháp đúc thép truyền thống (đúc liền moay ơ), phay răng, nhiệt luyện. Phương án thứ hai là chế tạo bằng phương pháp moay ơ thép tấm, vành răng cán, gia công răng bằng phương pháp cán nóng (phương pháp gia công không phôi). Cuối cùng là phương án chế tạo bánh răng bằng phương pháp moay ơ sắt hàn. Vành răng được dùng bằng thép 40X, cán, lốc, hàn và gia công bằng phương pháp phay lăn thông thường, nhiệt luyện bằng phương pháp tôi cao tần bề mặt răng. Nếu nhập được thép cán tấm mác thép 45 hoặc 40X, bỏ qua được công đoạn cán, giá thành sẽ hạ nhiều so với sản phẩm nhập ngoại.

Sau nhiều ngày bàn bạc, phân tích những mặt được và chưa được của từng phương án, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành như GS. Hàn Đức Kim, TS. Tào Văn Chiến, các giáo sư,  tiến sĩ chuyên ngành Cơ khí của trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cùng các đồng nghiệp của Viện Nghiên cứu Cơ khí, nhóm nghiên cứu đã chọn phương án thứ ba là phương án ưu việt nhất để thực hiện. Phương án này đã đáp ứng các yếu tố như:

- Khả năng cán, lốc, hàn hoặc lốc, hàn (nếu vật tư bằng thép tấm cán nóng) có thể thực hiện được vì trang thiết bị như máy lốc 3 trục, 4 trục có khả năng lốc các chi tiết dày 60 đến 70 mm với D > 1000mm sẵn có ở Việt Nam.

- Máy hàn que tự động và bán tự động hàn que hợp kim có chất bảo vệ, máy phay răng các bánh răng có D = (1000mm - 3000mm) có mô đun tới m = 22 mm đều có sẵn ở Việt Nam.

- Vành răng đã qua cán nóng nên có khả năng chịu mài mòn rất cao.

Sau một thời gian thực hiện và đưa sản phẩm vào chạy thử thành công ở một số cơ sở sản xuất, ngày 21/12/2001, đề tài đã được Nhà nước nghiệm thu và đánh giá xuất sắc.

Trước những ứng dụng hiệu quả của hộp giảm tốc trong sản xuất, xét thấy đây là một đề tài rất hữu ích nên Nhà nước đã cho phép Công ty Cơ khí Duyên Hải đưa đề tài này vào thực hiện dự án KC.05.DA.02. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện công nghệ chế tạo hộp giảm tốc từ tạo phôi đến gia công cơ khí, lắp ráp, kiểm tra, chạy thử, hoàn thiện, các giải pháp công nghệ để ổn định chất lượng sản phẩm; Tăng cường cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, tạo đà cho thay đổi công nghệ mới, tiên tiến; Xây dựng đội ngũ kỹ thuật, công nhân lành nghề có khả năng tiếp thu kỹ thuật hiện đại, sử dụng thành thạo thiết bị điều khiển CNC, tự động hóa; Chế tạo hộp giảm tốc cỡ lớn với loạt nhỏ từ 15-30 hộp/năm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án có tổng số vốn đầu tư là 6 tỷ đồng, dự kiến sẽ sản xuất 30 hộp giảm tốc có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại cùng loại. Nhưng trong thời gian thực hiện dự án, Công ty đã sản xuất vượt mức đề ra với 70 chiếc hộp giảm tốc bán ra thị trường. Theo nhận xét của các chuyên gia, hộp giảm tốc mới đã giảm độ ồn hiện đạt từ 85-90 dB, trong quá trình vận hành không có hiện tượng bị chảy dầu, mối hàn răng có độ bền tương đương với vật liệu chế tạo vành răng.

Từ khi tham gia thực hiện dự án KC.05.DA.02, sản lượng sản phẩm của Công ty đã không ngừng tăng trưởng. Nếu trước đây, trung bình Công ty sản xuất 500-600 hộp/năm, thì năm 2004 đã đạt hơn 900 hộp/năm, năm 2005 ước đạt 1000 hộp/năm, đem lại doanh thu cao trong tổng số doanh thu của toàn Công ty. Nhưng kết quả lớn nhất và bền vững nhất mà Công ty đạt được trong thời gian qua, đó là đã thiết lập được một qui trình công nghệ nâng cao chất lượng hộp giảm tốc, trang bị thêm một số thiết bị chuyên dùng và đào tạo được một đội ngũ công nhân có chuyên môn cao.

Để nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất hộp giảm tốc, Công ty hiện đang đầu tư xây mới một nhà máy tại khu Đồng Cảng trên km 8 đường 5 cũ. Mỗi năm, Nhà máy sẽ sản xuất được khoảng hơn 2000 chiếc/năm (tính theo tỷ lệ qui đổi hộp giảm tốc từ tâm A 250mm - 2080mm)  góp phần đem lại lợi ích to lớn không chỉ cho Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí Duyên Hải nói riêng mà còn cho ngành Cơ khí cả nước nói chung.
  • Tags: