Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành của Tập đoàn Fast Retailing (đơn vị sở hữu Uniqlo), cho hay việc gia nhập thị trường Việt Nam là một cột mốc quan trọng của thương hiệu bán lẻ quần áo hàng đầu Nhật Bản.
Tập đoàn bán lẻ quần áo Nhật Bản đã đăng ký công ty Uniqlo Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước ngoài. Theo đó, Fast Retailing tại Singapore chiếm 75% vốn và Công ty Mitsubishi Corporation giữ 25% vốn.
Người đại diện cho công ty tại Việt Nam là Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Fast Retailing, ông Satoshi Hatase.
Theo Phó chủ tịch cấp cao của Fast Retailing cho biết doanh nghiệp muốn Uniqlo sẽ có mặt tại mọi quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam, Lào và Myanmar.
Uniqlo có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương lên con số 400 vào năm 2022. Mạng lưới của Uniqlo trên toàn cầu hiện đang bao phủ 20 thị trường ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Tổng cộng có khoảng 2.000 cửa hàng.
Công ty cũng đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu tại khu vực Đông Nam Á, lên 300 tỷ yên (tương đương 2,71 tỷ USD) trong năm kết thúc vào tháng 8/2022 - tức là đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cả công ty. Trong cùng kỳ công ty kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp đôi, lên 3.000 tỷ yên
Tháng 3/2018, thương hiệu thời trang Nhật Bản đã mở cửa hàng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tại Thái Lan. Sau đó không lâu, một cửa hàng thứ hai của Uniqlo cũng được đặt tại đây.
Ông Hatase đánh giá 2 địa điểm kinh doanh độc lập này tại Thái Lan đã thành công vang dội. Ông nói Uniqlo sẽ không nhắm đến các trung tâm mua sắm để mở cửa hàng, thay vào đó là vùng ngoại ô nhằm mở rộng phạm vi thương hiệu.
Phó chủ tịch cấp cao của Fast Retailing cho rằng vị trí kinh doanh ở ngoại ô thu hút nhiều gia đình đến mua sắm, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Họ có thể trải nghiệm dịch vụ như các thành phố lớn, đồng thời gần gũi với cộng đồng của mình nhiều hơn.