Uông Bí chú trọng đầu tư cho bảo vệ môi trường

TP. Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh là địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất than, điện, xi măng với tốc độ phát triển đô thị sôi động, luôn đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường. Bởi vậy trong

         Doanh nghiệp chủ động bảo vệ môi trường Thành phố

        Những năm qua, hầu hết các đơn vị sản xuất than đứng chân trên địa bàn Uông Bí đều đã tăng cường đầu tư, triển khai các công trình, dự án bảo vệ môi trường. Đơn cử như công trình trạm xử lý nước thải của Công ty CP Than Vàng Danh với công suất 3.000m3/ngày đêm, có thể đáp ứng nhu cầu xử lý toàn bộ nước thải mỏ và nguồn nước mặt của đơn vị trong vòng 10 năm tới. Cùng với Than Vàng Danh, Công ty Than Hồng Thái - TKV cũng đang hợp tác với Hàn Quốc thi công trạm xử lý nước thải có công suất đạt tới 2.000m3/ngày đêm, phục vụ cho xử lý nước thải mỏ của đơn vị. Hệ thống khai thác than hiện đại tại mỏ than Nam Mẫu

      Ngoài hàng loạt các trạm xử lý nước thải, các đơn vị ngành Than còn xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ việc vận chuyển than bằng đường sắt, nâng cấp hệ thống kho bãi, cảng, triển khai các dự án hoàn nguyên môi trường... Cụ thể như các công trình tuyến đường vận chuyển từ sân công nghiệp Công ty CP Than Vàng Danh ra cầu Lán Tháp; nâng cấp tuyến đường sắt đôi ga Vàng Danh đến ga A; tuyến băng tải từ Than Thùng ra ga Lán Tháp; hầm tuy len; mở rộng của một số vị trí để tăng tốc độ; đường bộ cải dịch và đường gom dân sinh; hệ thống thông tin và các nhà ga… Tuyến đường sắt từ Khe Thần ra cảng Điền Công đã được lắp đặt hai đường xe, nâng công suất vận tải gấp đôi... Nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt băng tải thay cho việc vận chuyển bằng ô tô, san gạt làm các tuyến đường chuyên dùng để không ảnh hưởng đến dân cư như Công ty Than Nam Mẫu, Vàng Danh. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đưa vào sử dụng các công trình sàng tuyển, chế biến có công nghệ tiên tiến, hạn chế phát tán bụi và rò rỉ nước thải ra môi trường như nhà sàng Khe Thần 5 triệu tấn/năm, nhà sàng Vàng Danh giai đoạn I công suất 2,5 triệu tấn/năm, nhà sàng Uông Thượng 2,5 triệu tấn/năm… Đến thời điểm này, Uông Bí đã quy hoạch duy nhất cụm cảng Điền Công chuyên để tập kết và tiêu thụ than. Đến nay, 100% các bãi thải của các đơn vị thuộc TKV trên địa bàn đều đầy đủ hồ sơ, thiết kế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án phục hồi môi trường.

     Cùng với các đơn vị ngành Than, các doanh nghiệp sản xuất điện, xi măng, khai thác đá cũng tích cực đầu tư đổi mới công nghệ. Tổng Công ty Phát điện I đã chính thức dừng hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 110 MW từ đầu năm 2015, giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường do lỗi thiết kế không thể khắc phục được của hạng mục sản xuất này. Đối với các đơn vị khai thác đá đều tuân thủ phương án và thiết kế được cơ quan chuyên môn phê duyệt. Đặc biệt, việc nổ mìn phá đá với lượng thuốc cho mỗi mạng gây nổ đúng quy định; dùng thuốc nổ ít ô nhiễm và hạn chế bụi, tiếng ồn trong các khâu nổ mìn phá đá, nghiền sàng, vận chuyển… Chính vì vậy việc quản lý, nâng cao chất lượng đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, vận tải, bốc xếp, chuyển giao sản phẩm của các đơn vị trên được nâng lên rõ rệt. Các doanh nghiệp khai thác đá như Xí nghiệp đá Uông Bí, Công ty đá Phương Mai, Công ty CP đá Phương Nam… hiện đều sử dụng thuốc nổ ít bụi để phá đá, mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng mức độ đảm bảo an toàn về môi trường lớn hơn.
                                                                                                           Ảnh minh họa

       Nỗ lực của Thành phố

      Nhằm bảo vệ môi trường, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chí về môi trường của đô thị loại II, thời gian qua, TP. Uông Bí đã dành ngân sách cho công tác môi trường đồng thời tranh thủ, vận dụng các nguồn lực hỗ trợ khác để tập trung đầu tư triển khai các công trình bảo vệ môi trường. Có thể thấy, cùng với việc triển khai dự án hoàn nguyên môi trường bãi rác Lạc Thanh (phường Yên Thanh) với kinh phí hơn 3 tỷ đồng vào năm 2013, TP. Uông Bí đã khẩn trương tìm kiếm địa điểm và xây dựng các bãi chôn lấp rác thải mới. Từ năm 2014 đến nay, Thành phố tập trung đầu tư khu chôn lấp rác thải Khe Giang với quy mô giai đoạn I là 12 ha (toàn dự án là 27 ha) với nhiều hạng mục quan trọng. Thời điểm hiện nay khu chôn lấp rác thải Khe Giang đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả ban đầu. Với địa hình nhiều sông suối có dòng chảy bắt nguồn từ các khu vực khai thác than, những năm gần đây, để khơi thông dòng chảy, tránh chảy tràn, sạt lở trong mùa mưa lũ, góp phần tiêu thoát nước thải, TP. Uông Bí đã tập trung đầu tư nhiều tuyến kè hai bên các tuyến sông, suối này. Đơn cử như các tuyến kè khu vực sông Uông, sông Sinh, sông Miếu Thán, sông Khe Mai… với tổng chiều dài trên 25km, giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng, không chỉ đảm bảo cho việc tiêu thoát nước thải của Thành phố, mà còn tạo cảnh quan đô thị.

      Để đảm bảo việc thu gom rác thải sinh hoạt trong thành phố sạch, đẹp, văn minh, TP Uông Bí đã đầu tư các nhà để xe rác tập trung. Các công trình này đều được xây dựng ở vị trí phù hợp, có thiết kế đẹp và luôn được sơn sửa, trồng cây xanh nên rất đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời tránh được những phát sinh ô nhiễm môi trường do việc thu gom, tập kết, chờ xử lý rác thải gây ra. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2016, Thành phố tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà để xe rác khác với giá trị đầu tư từ 3-5 tỷ đồng. Thành phố cũng tăng cường trồng xây xanh tại các tuyến đường nội thị, trụ sở, trường học, đơn vị bộ đội; xây dựng các vườn hoa, cây cảnh tại các tuyến phố… Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP. Uông Bí có đến hàng ngàn cây xanh đô thị, là một trong những địa phương có mật độ cây xanh đô thị lớn của tỉnh, đồng thời có hàng chục vườn hoa có quy mô, được chăm sóc cẩn thận. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Thành phố đã xây mới, tu sửa 5 vườn hoa với giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng. Riêng đối với công trình Công viên Sinh viên (phường Nam Khê), xác định là công trình tạo cảnh quan đô thị và góp phần cải thiện môi trường nên TP. Uông Bí đặc biệt đầu tư cho hệ thống cây xanh ở đây. Hiện hạng mục các đảo cây xanh chiếm 1/2 diện tích công viên, số lượng cây lên đến trên 2.000 cây các loại. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn của tỉnh, TP. Uông Bí đang hoàn thiện 3 công trình trạm quan trắc khí, nước tại Vàng Danh, Phương Nam và Thanh Sơn để phục vụ việc phân tích, cập nhật thường xuyên những thông số về môi trường.

Với những hoạt động trên, có thể thấy, TP Uông Bí đã thực sự nỗ lực, vì môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đáp ứng tiêu chí môi trường của một thành phố đô thị loại II.