Ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2015, huyện đã quy hoạch giảm 1.000 ha diện tích vải năng suất thấp, tương đương với giảm 4.000 tấn sản lượng. Cùng với đó, huyện mở rộng diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và một phần đạt GlobalGAP để xuất khẩu sang các thị trường "khó tính".
Dự kiến thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ 20/5-10/6 và vải thiều chính vụ từ 15/6-10/7. Còn theo dự báo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2015 với tổng diện tích gần 32.000 ha, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh ước đạt 160.000 tấn quả tươi, thấp hơn 2014 khoảng 30.000 tấn.
Trong đó nhiều nhất là huyện Lục Ngạn ước đạt 90.000 tấn, tiếp đến là Lục Nam (29.000 tấn), Yên Thế (12.000 tấn). Sản lượng vải sớm của toàn tỉnh đạt 25.000 tấn, chiếm 16% và vải muộn khoảng 135.000 tấn, chiếm 84%.
Ngoài Bắc Giang, hiện nay vải thiều còn được trồng ở hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng vải tươi ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Trong đó, ngoài Bắc Giang, sản lượng vải tươi của Hải Dương khoảng 60.000 tấn, Hưng Yên là 6.000 tấn.
Dự báo với sản lượng này, 60% sản lượng vải, chủ yếu dưới dạng quả tươi, sẽ được tiêu thụ trong nước, tương ứng khoảng 120.000 tấn và xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn.
Thị trường tiêu thụ vải tươi được bao phủ rộng khắp toàn quốc, trong đó tập trung nhiều tại các địa phương phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Thị trường phía Nam được đánh giá sẽ tiếp tục là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, với khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa. Năm nay, giá vải thiều được dự báo ổn định và có mức tương đương với năm 2014.
Ngoài tiêu thụ trong nước, một trong những điểm nhấn quan trọng về thị trường đầu ra cho quả vải tươi năm nay là xuất khẩu. Trong đó, thị trường xuất khẩu truyền thống gồm Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore và các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.
Cũng trong ngày 11/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao văn bằng bảo hộ vải thiều Lục Ngạn tại 5 nước, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào cho UBND huyện Lục Ngạn; đồng thời tiếp tục tiến hành đăng ký bảo hộ tại các thị trường khác như Mỹ, Nga, Australia, Singapore, Anh, Pháp…