Ấn Độ có lịch sử lâu đời giao lưu thương mại và văn hóa với Đông Á. Quan hệ thương mại với Đông Á đã có từ 2.000 năm trước qua việc hình thành “con đường tơ lụa” và Calicut khi đó là cảng thương mại chính ở Nam Á (Calicut hiện là một cảng biển thuộc vùng duyên hải, phía Bắc bang Karnataka).
Sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ là nước chủ nhà của Hội nghị Quan hệ Châu Á tháng 4 năm 1947 tại New Delhi. Đây được coi là bước tiếp cận đầu tiên để tạo sự nhân diện vòng cung châu Á trong hệ thống các quốc gia hiện đại. Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ là người cổ vũ cho “Tinh thần Bangdung 1955” sau này, trở thành tiền thân của Phong trào Không liên kết và Thượng đỉnh Á - Phi.
Vai trò của các nước Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Á, ngày một lớn mạnh trong khu vực và trên trường quốc tế. Năm 1992, Ấn Độ tuyên bố “Chính sách Hướng Đông” (Look East Policy) trong bối cảnh chiến tranh lạnh đã kết thúc và Ấn Độ bắt đầu cuộc “Cải cách Kinh tế” nhằm tự do hóa nền kinh tế.
Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á sau Nhật Bản và Trung Quốc. Tổng GDP của nước này đạt 1.250 tỷ USD năm 2009, dân số 1,2 tỷ người, mức tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm trong vòng năm năm qua và Ngân hàng Phát triển Châu Á dự kiến mức tăng 8,2% năm 2010 và 8,7% năm 2011. Ấn Độ đã ký nhiều hiệp định thương mại với các nền kinh tế Đông Á, bao gồm Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện với Singapore, Chương trình Thu hoạch sớm với Thái lan, Hiệp định Thương mại Hàng hóa với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Hàn Quốc và đang thảo luận một số Hiệp định Thương mại Tự do với Nhật Bản, Australia, New Zealand.
Trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, ASEAN có vị trí rất quan trọng. Ấn Độ nhìn nhận ASEAN như là nhân tố cơ bản cho cấu trúc cộng đồng kinh tế Châu Á giúp mang lại hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Hội nghị Cấp cao Thương mại Ấn Độ - ASEAN lần thứ nhất được tổ chức tại New Delhi năm 2002, lần thứ hai năm 2003 và lần thứ ba tháng 10/2004. Ấn Độ tham gia hàng loạt các cuộc họp tham vấn với ASEAN trong khuôn khổ các quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ. Ấn Độ là đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN năm 1995, là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1996, tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, sáng kiến Hợp tác Sông Mekong - Sông Hằng, Sáng kiến Bengal về Hợp tác kinh tế kỹ thuật đa lĩnh vực (BIMSTEC). Năm 2003, ASEAN và Ấn Độ ký Hiệp ước thân thiện hợp tác và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện.
Về thương mại và đầu tư, trong giai đoạn 1993 - 2003, thương mại song phương ASEAN - Ấn Độ tăng bình quân 11,22%/năm, từ 2,9 tỷ USD năm 1993 lên 12,1 tỷ USD năm 2003. Năm 2008, tổng trị giá trao đổi thương mại ASEAN - Ấn Độ đạt 47,5 tỷ USD, trong đó ASEAN xuất khẩu sang Ấn Độ 30,1 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2007 và nhập khẩu 17,4 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2006. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Ấn Độ sang các nước thành viên ASEAN là 429,6 triệu USD năm 2008, chiếm 0,7% tổng FDI trong khu vực. Tổng số FDI của Ấn Độ vào ASEAN giai đoạn 1995 - 2008 là 1,7 tỷ USD.
Đặc biệt, tháng 8/2009, ASEAN và Ấn Độ đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) sau 6 năm đàm phán, mở đường cho sự gia tăng giao lưu thương mại giữa hai bên. Đây là FTA tạo nên một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 1,8 tỷ dân và tổng GDP 2.750 tỷ USD. Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, và thuế suất các mặt hàng điều chỉnh bởi hiệp định này sẽ giảm xuống 0% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016.
Hiện nay, ASEAN và Ấn Độ đang đàm phán Hiệp định về thương mại dịch vụ và đầu tư. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 ASEAN - Ấn Độ tháng 10/2009, hai bên đã thống nhất điều chỉnh mục tiêu thương mại song phương đạt 70 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Với việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, dự kiến thương mại song phương có thể đạt 100 tỷ USD trong 5 năm tới.
Vai trò của ASEAN trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ
TCCT
Với diện tích 4,44 triệu km2, dân số 592 triệu người, GDP 1.500 tỷ USD và chính sách kinh tế mở, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ASEAN có vai trò trung tâm trong khu vực và đang hướng tới việc xây