Vai trò của công tác tư vấn trong sự nghiệp CNH - HĐH

Kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập, vai trò của công tác tư vấn nói chung và tư vấn trong đầu tư, XDCB nói riêng đã từng bước được khẳng định. Tuy nhiên, sau gần 20 năm chuyển sang

Ông Chu Tuấn Ngọc- Giám đốc Trung tâm Tư vấn thiết kế và xây dựng - Tổng Công ty Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam: “Công tác làm luận chứng còn theo lối mòn, cơ chế xin - cho”.
Xu hướng hiện nay trong mọi ngành nghề là “chuyên môn hoá”, tức là phải hoàn thiện trong mỗi “khâu”. Có như thế, sản phẩm làm ra mới đạt yêu cầu. Ngành tư vấn thiết kế xây dựng công nghiệp cũng vậy. Tuy nhiên, vai trò của nhà tư vấn thiết kế chưa thực sự đạt được đúng tầm quan trọng, mà lẽ ra phải có. Chúng tôi phân ra làm hai bước trong tư vấn thiết kế là tư vấn chuẩn bị đầu tư và tư vấn thực hiện đầu tư. Tư vấn chuẩn bị đầu tư gồm công tác làm luận chứng, luận cứ. Tư vấn thực hiện đầu tư tức là người làm tư vấn phải thay mặt nhà đầu tư kiểm soát và bảo đảm với cơ quan quản lý về mặt chất lượng, tiến độ và giá cả.  Tuy nhiên, trong thực tế, cả hai khâu này đều chưa đạt được đúng vai trò quan trọng của nó. Về công tác làm luận chứng, chúng tôi nhận thấy còn theo lối mòn kiểu cơ chế xin - cho. Nó chỉ được biểu hiện đơn giản là một bộ hồ sơ, hoàn toàn chưa thể hiện được vai trò của nhà tư vấn. Tôi không phủ nhận rằng, hiện nay, với sự phát triển chậm của ngành tư vấn thiết kế, vai trò của nhà tư vấn gần như bị lu mờ. Điều này có nguyên nhân từ sự thiếu thốn của các quy định của Nhà nước về ngành xây dựng. Sắp tới, cùng với việc sửa đổi Luật Xây dựng của Nhà nước, tôi hy vọng ngành tư vấn thiết kế xây dựng sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Với tư cách là một kỹ sư tư vấn thiết kế, tôi mong công tác tư vấn thiết kế trong xây dựng công nghiệp nói riêng và trong ngành xây dựng nói chung, sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển đúng tầm vóc của nó.

Ông Hồ Đình Yên, Trưởng Phòng quản lý dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam: “Nhìn chung, trình độ của các tổ chức tư vấn Việt Nam liên quan đến ngành Giấy Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu, cả về chuyên môn lẫn con người”.
Công tác tư vấn nói chung là một lĩnh vực rất rộng, trong khi đó, chúng tôi chỉ  hoạt động trong một ngành hẹp, đó là ngành Giấy. Vì vậy, những ý kiến của chúng tôi đề cập đến ở đây chỉ nằm trong những vấn đề liên quan đến Ngành này mà thôi. Trên cương vị là một người làm công tác quản lý dự án, đã từng được tiếp xúc với nhiều tổ chức tư vấn cả trong và ngoài nước, theo chúng tôi, hiện các tổ chức tư vấn trong nước đang còn rất yếu và nhìn chung chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của chủ đầu tư. Đó là, về trình độ chuyên môn chưa cao, lực lượng cán bộ chuyên ngành về giấy còn quá ít, thậm chí nhiều người còn có phong cách làm việc quá xa rời thực tế (ví dụ như thiết kế một công trình mà không khảo sát kỹ thực địa, chỉ dựa và bản vẽ của công trình cũ)... Không những thế, một vấn đề bức xúc đặc biệt của tư vấn trong nước là thiếu người “cầm trịch” có trình độ tổng hợp, bao quát tốt cho các công trình. Một điều dễ nhận thấy, tất nhiên chỉ về phần giấy mà thôi, các đơn vị thiết kế nhỏ thiết kế rất tốt, song khi tập hợp lại để lập bản thiết kế tổng hợp, không có kỹ sư trưởng đủ năng lực thẩm định toàn bộ, tổng thể, có thể dẫn đến sai sót, tạo độ vênh lớn giữa thiết kế và thực tế xây dựng, làm cho quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh, gây lãng phí về tiền bạc và thời gian của chủ đầu tư. Ngoài ra, do chi phí tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát còn quá thấp cũng làm cho các nhà tư vấn và các tổ chức tư vấn khó có điều kiện hoạt động đi lại, giám sát thực tế thi công các công trình, nhất là các công trình xa xôi, đi lại khó khăn.
Trên đây là tư vấn trong nước, còn đối với tư vấn nước ngoài, theo tôi, họ có thiết bị, trình độ chuyên môn và năng lực đội ngũ cán bộ rất tốt, nhưng chỉ có điều, do chưa hiểu hết yêu cầu, điều kiện của chủ đầu tư ở Việt Nam nên dễ tạo ra những bản thiết kế không phù hợp, nếu chủ đầu tư không có quy định chặt chẽ đối với bản thiết kế, mà điều này thì không phải chủ đầu tư nào ở Việt Nam cũng làm được. Đồng thời, yếu tố quan trọng khác: Giá thành thuê tư vấn quá cao.

Ông Nguyễn Xuân Dịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí: “Đến nay, trong công tác thăm dò và khai thác dầu khí, Việt Nam chủ yếu sử dụng tư vấn trong nước”.
Hiện nay, trên thế giới có 3 loại hợp đồng tìm kiếm, thăm dò và khai thác (TKTD&KT) dầu khí là: tô nhượng, phân chia sản phẩm (PSC) và liên doanh liên kết (JV). Từ thực tế hoạt động kinh tế đối ngoại trong lĩnh vực thượng nguồn, Việt Nam đã sáng tạo thêm một loại hợp đồng nữa là liên doanh điều hành chung (JOC). Với loại hợp đồng này, ngay từ đoạn tìm kiếm, thăm dò, nhà thầu vẫn chịu mọi rủi ro, nhưng nước chủ nhà được tham gia điều hành. Trong điều kiện có phát hiện thương mại, nước chủ nhà được quyền tham gia góp vốn để phát triển và khai thác mỏ.
Từ những loại hợp đồng và đặc điểm của mỗi loại hợp đồng nói trên, việc lựa chọn thể loại hợp đồng phù hợp với tiềm lực kinh tế, với trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý cũng như tiềm năng dầu khí của từng lô hợp đồng là việc làm có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả đầu tư của giai đoạn TKTD&KT. ý nghĩa của tư vấn trongTKTD&KT dầu khí là chọn hình thức hợp đồng nào thích hợp nhất. Vào đầu những năm 1980, Việt Nam ký hợp đồng JV với Liên Xô để triển khai TKTD&KT lô 09.1 trong đó có hai mỏ Bạch Hổ và Rồng. Cho đến nay, đây là hợp đồng JV duy nhất nhưng rất thành công. Vào giữa những năm 1980, sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã áp dụng rất linh hoạt thể loại hợp đồng PSC đã thu hút gần 40 nhà thầu vào TKTD&KT dầu khí tại các bể trầm tích Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Mã Lai – Thổ Chu. Hàng trăm giếng khoan đã được khoan, nhiều mỏ được phát triển và khai thác, đã góp phần làm thay đổi cơ bản vị thế và vai trò của ngành Dầu khí trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Gần đây, việc áp dụng hình thức hợp đồng JOC đã và đang có tác dụng nâng cao năng lực điều hành và quản lý của các cán bộ Việt Nam. Thành công trong lĩnh vực lựa chọn, đàm phán và ký kết hợp đồng phản ánh sự năng động và sáng tạo của cán bộ Việt Nam. Thông thường, các nước đang phát triển có tiềm năng về dầu khí thường phải thuê tư vấn nước ngoài đối với những loại hình công việc nói trên. Bằng hình thức thành lập Hội đồng Tự lực để tham mưu những vấn đề quan trọng, nhiều loại hình công việc khó khăn và phức tạp của giai đoạn TKTD&KT đã được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chủ động giải quyết có hiệu quả.
Vào giữa những năm 1990, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác dầu của mỏ Bạch Hổ, phương pháp bơm ép nước đã được các cán bộ Việt Nam và chuyên gia Nga nghiên cứu và ứng dụng thành công. Mô hình địa chất, các giải pháp tính toán trữ lượng, mô hình khai thác và các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho mỏ móng nứt nẻ có tính đặc thù và gần như duy nhất trên thế giới đã được các cán bộ Việt Nam chủ động đề xuất và giải quyết thành công.
Bên cạnh vai trò của Hội đồng Tự lực còn phải kể đến sự đóng góp của các Viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành như Viện Dầu khí, Trung tâm An toàn và môi trường, Trung tâm Chế biến dầu khí trực thuộc Tổng công ty Dầu khí và Viện nghiên cứu địa chất và các công trình biển của Vietsovpetro cũng như vai trò của Hội đồng khoa học các cấp của ngành Dầu khí. Ngoài việc phát huy nội lực để giải quyết các vấn đề kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành, Tổng công ty Dầu khí đã và đang sử dụng tư vấn nước ngoài trong các hoạt động dầu khí, kể cả lĩnh vực TKTD&KT.
Vào đầu những năm 1990, Viện Dầu khí đã phối hợp với Công ty Tư vấn Geochem và Robertson Group để nghiên cứu địa hoá cũng như cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của hai bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn. Các kết quả nghiên cứu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực thường nguồn.

 Ông Nguyễn Phú Chính Phó Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Mỏ và Công nghiệp: “Công tác tư vấn chưa được Nhà nước và các công ty mỏ trong ngành quan tâm, đầu tư đúng với tầm quan trọng của công tác này”.
Với nhiệm vụ tư vấn cho toàn ngành Than, trong những năm qua, Công ty đã tư vấn cho nhiều hạng mục, công trình, đưa các tiến bộ KHKT vào phục vụ sản xuất, nhờ đó đã nâng cao sản lượng khai thác than ở các mỏ than. Những năm gần đây, Công ty đã tham gia tư vấn và thiết kế xây dựng mới các giếng nghiêng ở Khe Chàm, Thống Nhất, Vàng Danh, tư vấn trong việc cung cấp thiết bị công nghệ, thiết bị vận tải cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, áp dụng máy Combain vào khấu than lò chợ ở Khe Chàm. Sắp tới, máy Combain sẽ được đưa vào khai thác than lò chợ ở Mỏ Than Hồng Thái, Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Vàng Danh... Những năm qua, do làm tốt công tác tư vấn, ngành Than đã đưa được cột chống thủy lực và giá thủy lực vào chống trong lò chợ, thay thế cột chống gỗ, vừa tiết kiệm được công sức cũng như đảm bảo an toàn lao động cho thợ mỏ. Để công tác tư vấn thực hiện có hiệu quả hơn nữa, Công ty đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn của Trung Quốc, Đức, Ba Lan, tư vấn cho các mỏ Hà Lầm, Khe Tam, Bắc Cọc 6, Khe Chàm 3, đưa công suất khai thác của một mỏ hầm lò từ 500 nghìn tấn than/năm lên hơn 1 triệu tấn  than/năm. Tuy nhiên, hiện nay, công tác tư vấn đang gặp một số khó khăn, đó là, còn thiếu các số liệu về điều tra xây dựng cơ bản ở các mỏ than mới, thiếu các trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc khoan và thăm dò khai thác các vỉa than. Mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước cũng như Tổng công ty Than Việt Nam sẽ có nhũng quan tâm và đầu tư thích đáng tới công tác tư vấn để góp phần thực hện mục tiêu phát triển ngành Than phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  • Tags: