Nhiều nước có nguồn tài nguyên lớn, nhân công nhiều và rẻ, nhưng lại không có vốn và kỹ thuật tiên tiến để sản xuất; xuất khẩu công nghệ trong nước kém, hàng rào thuế quan bảo hộ cao, khiến thuế nguyên vật liệu, hàng sơ chế và máy móc nhập vào cao, làm cho doanh nghiệp trong nước khó bề xoay xở. Lúc này, KCX trở thành cứu cánh của các nước mới phát triển. Quy chế KCX cho phép xuất nhập miễn thuế để chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thu hút vốn ngoại tệ và tăng kim ngạch xuất khẩu bổ sung cho ngân sách, tăng dần GDP.
Khi cơ chế thị trường buộc các nước phải tháo dỡ hàng rào thuế quan, thì nguyên liệu hay hàng hóa nhập đều như nhau và KCX không còn là một cõi riêng. Năm 1989, Tổng thư ký điều hành Hiệp hội Quốc tế vào KCX - Richar Bolin đến thăm Cao Hùng đã cảnh báo: “Trong 230 KCX thành viên, chỉ có khoảng 20 - 30 KCX ở châu Á và Mehico là kinh doanh thành công, còn lại là thất bại”. Như vậy, ngọn gió đã bắt đầu đổi chiều. Tuy nhiên, nếu các KCX nào hội đủ 10 điều kiện cơ bản dưới đây vẫn có thể kinh doanh thành đạt: Nhân khẩu lao động ưu tú dồi dào, tiền lương thấp; Môi trường chính trị xã hội ổn định; Thuế ưu đãi, thủ tục thu thuế đơn giản; Mạng lưới giao thông thủy- bộ-hàng không nhanh, tiện lợi; Thiết bị thông tin nhanh chóng, giá thành thấp; Cung cấp điện ổn định; Cung cấp nước dùng cho công nghiệp đầy đủ; Có đầy đủ xưởng sản xuất linh kiện và bán thành phẩm; Có điều lệ và thủ tục xin cấp phép đơn giản, rõ ràng; Môi trường cư trú dễ chịu, cơ sở vui chơi tốt.
Vào thời điểm này, Việt Nam đặt vấn đề xây dựng KCX Tân Thuận. Ngày 27.9.1989, Hiệp hội CETRA (đại diện đoàn thương nhân Đài Loan) cùng Hiệp hội INFOTRA (của TP.HCM) đã ký kết sơ bộ. Lễ động thổ diễn ra năm 1991 và đến ngày 2-6-1992 khởi công xây dựng, với quy mô 200 xí nghiệp, thu dụng 90.000 công nhân, trị giá hàng xuất khẩu 6 tỉ USD/năm. Ngoài ra, dự án KCX Tân Thuận đã kéo theo việc mở thêm Nhà máy Điện Hiệp Phước, Cảng container Nhà Bè và xa lộ 17,8 km xuyên qua 5 khu cư dân đô thị mới Nam Sài Gòn.
Một năm sau ngày khởi công, KCX Tân Thuận đã có đến 63 sự kiện đánh dấu, như: Ngày 27.9.1992 có 35 đơn vị nước ngoài đến đăng ký thuê đất và Công ty Dệt Liên Minh là đơn vị đầu tiên đưa nhà máy vào hoạt động. Ban đầu, KCX Tân Thuận có tên giao dịch là TT/EPZ, với thủ tục thông thoáng, điện nước đầy đủ, môi trường xanh sạch, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng thu hút 110 đơn vị tên tuổi trong và ngoài nước vào khai thác, được Tạp chí Euromoney Corporate Locations bầu chọn danh hiệu “KCX số 1 châu Á”, nghĩa là vượt lên cả bản sao Cao Hùng.
Nhưng, tiến trình đến năm 2000 thì chững lại. 600 ha của các dự án phụ như điện, đường, khu phố gia cư mới được lấp đầy còn 300 ha của TT/EPZ dậm chân tại chỗ, với khoảng 50% diện tích quy hoạch, kể cả 40 ha của khu công nghệ thông tin dọc theo sông Sài Gòn, thuộc TT/EPZ. Khách quan là do xu thế đầu tư vào KCX của doanh nhân thế giới đã bão hòa, không còn hấp dẫn bởi nhiều hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, chủ quan là do bên các đối tác Đài Loan như CT – D và Pan Việt trong công ty liên doanh với Việt Nam, đòi tách kế toán doanh thu, giữa hoạt động xây dựng công nghệ TT/EPZ với hoạt động xây nhà khu phố mới, vì lẽ xây nhà bán thu hồi vốn và lãi nhanh hơn xây nhà máy.
Đúng vào thời điểm đấy, đại diện Hiệp hội KCX Thế giới đến Tân Thuận, khuyến cáo và hướng dẫn phương án chuyển đổi KCX thành “Khu kinh tế lợi nhuận cao”-Value Added Economic Zone (VAEZ). Trước khuyến cáo hợp thời và thiết thực, ngày 26.5.2003, TT/EPZ đã được chính thức đổi thành khu kinh tế lợi nhuận cao.
Từ đó, KCX Tân Thuận không chỉ khép trong sản xuất công nghệ xuất khẩu, mà các doanh nghiệp vào đây còn có thể kinh doanh tổng hợp kể cả dịch vụ, thương mại, đào tạo, nhất là dịch vụ cấp nhà ở cho công nhân và các khu vui chơi, giải trí. Tổng giám đốc Công ty Dệt Liên Minh - ông CM.Chen cho biết, sau khi đổi thành khu kinh tế lợi nhuận cao, đơn vị của ông thành đạt hơn, nhờ vừa xuất khẩu vừa bán được hàng cho nội địa.
KCX Tân Thuận đang dần chuyển qua mô hình “khu tăng cao lợi nhuận” thì cánh cửa WTO lại rộng mở với Việt Nam. Quy chế WTO thông thoáng, bình đẳng, nhưng không kém phần gay gắt, mọi quy định cục bộ ưu tiên hay bảo trợ đều được xóa bỏ, “mạnh được, yếu thua”. Vì vậy, cơ cấu KCX hay KCN tập trung cũng sẽ bị lỗi thời, khi mà giữa đó, chất lượng, khối lượng hàng hóa, giá cả và người tiêu thụ quyết định tất cả. ?