VAMC đã mua được hơn 6,5 tỷ USD nợ xấu

(Chinhphu.vn) - Tính từ đầu năm đến ngày 15/6, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã duyệt mua 28.194 tỷ đồng và tính lũy kế từ khi hoạt động đến nay đã mua được 143.800

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu xuống dưới 3%, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiếp tục mua nợ xấu từ các TCTD, triển khai công tác xử lý nợ, phối hợp triển khai thẩm định hồ sơ, phân tích và đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp nhất.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, VAMC đã duyệt mua 28.194 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Lũy kế từ khi hoạt động đến nay, VAMC đã mua được 143.800 tỷ đồng (tương đương 6,6 tỷ USD) dư nợ gốc nội bảng; góp phần hỗ trợ các TCTD giảm dư nợ xấu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, tiếp cận được vốn vay của TCTD.

Trước đó, ngay từ thời điểm đầu năm 2015, thông qua việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD, Thống đốc NHNN cũng đã giao chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC tới cụ thể các ngân hàng.

Theo đó, bảo đảm đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ của toàn ngành ngân hàng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP. Theo đó, VAMC là kênh rất quan trọng hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong vấn đề xử lý nợ xấu. Các ngân hàng phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng và tích cực bán nợ cho VAMC.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình lưu ý các đơn vị, ngân hàng đến tháng 9 phải đưa được nợ xấu về dưới 3%.

Bình luận về việc xử lý nợ xấu của Việt Nam, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng: Việc đưa VAMC đi vào hoạt động năm 2013 là biện pháp ban đầu quan trọng, tiếp cận vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng một cách có hệ thống. VAMC đã tích cực mua nợ xấu của ngân hàng nhưng tốc độ mua nợ cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Ông Sanjay Kalra cho rằng VAMC cần có thẩm quyền lớn hơn để giải quyết những trở ngại về mặt pháp lý trên thị trường mua bán nợ xấu. Ngoài ra, thị trường mua bán nợ xấu cần có đủ người mua và người bán để có thể hoạt động được và có thể cần cả sự tham gia của các đối tác nước ngoài nhiều kinh nghiệm.

Trưởng đại diện IMF nhận định rằng việc sáp nhập một số ngân hàng giúp giảm gánh nặng quản lý hành chính đối với NHNN. Nhưng về lâu dài, cần có chiến lược toàn diện cụ thể và rõ ràng để tái cơ cấu ngân hàng. Các kế hoạch này cần phân biệt rõ ngân hàng mất khả năng thanh toán và ngân hàng mất khả năng thanh khoản, buộc các cổ đông hiện tại phải gánh chịu tổn thất trước khi được bơm vốn mới và xử lý nợ xấu.

Sáng kiến của NHNN mua lại 2 ngân hàng yếu kém là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong dài hạn phải có khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.