Vận chuyển khoáng sản rắn bằng đường ống: Một công nghệ cần được quan tâm

Tiềm năng khoáng sản nước ta khá phong phú và đa dạng, tuy vậy cũng chỉ có vài loại khoáng sản có trữ lượng khai thác qui mô công nghiệp, như quặng sắt ở Qúi Xa-Cao Bằng, ở Thạch Khê-Hà Tĩnh, đất hiếm

 

1.       Công nghệ vận chuyển khoáng sản rắn bằng hệ thống đường ống

Công nghệ vận chuyển bằng đường ống đã có từ hơn 60 năm trước, mà từ năm 1994, Comlombia là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ đường ống dài 27 km để vận chuyển 400.000 tấn đá vôi (limestone)/năm. Hiện nay, gần 45 hệ thống đường ống vẫn hoạt động tốt ở các khắp các châu lục (ngoại trừ 2 đường ống vận chuyển than ở bang Ohio và bang Arizona-Mỹ phải dừng hoạt động theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, để duy trì hoạt động vận chuyển và công ăn việc làm của ngành Đường sắt). Có thể thấy rằng, loại hình vận chuyển này rất thích hợp đối với những mỏ nằm ở những vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, khó khăn và sẽ rất tốn kém nếu xây dựng đường sắt để chuyên phục vụ vận tải khoáng sản, với một sản lượng lớn hàng trăm nghìn tấn/năm trở lên. Giá thành xây dựng đường ống chắc chắn thấp hơn so với đường sắt và giá thành vận chuyển cũng chỉ bằng 20-30% so với giá thành vận chuyển của đường sắt. Vận chuyển bằng đường ống sẽ an toàn hơn nhiều, không bị tổn thất và mất mát dọc đường, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển, và không chiếm đất và không cản trở giao thông khác, vì đường ống được chôn sâu khoảng 1m trong lòng đất.

Hệ thống công nghệ này gồm có hệ thống cấp nước, thiết bị nghiền quặng tinh sau khi quặng đã được tuyển rửa, trạm bơm, trạm điều áp và đường ống.

2. Các loại khoáng sản rắn đã được vận chuyển bằng công nghệ đường ống trên thế giới

Cho tới nay, mới chỉ có các khoáng sản: đá vôi, tinh quặng phosphate, than, cao lanh, sắt, đồng, kẽm và bô xít được vận chuyển bằng đường ống.

Hiện có 5 đường ống vận chuyển đá vôi ở Mỹ, Anh, Australia và Colombia, tuyến vận tải không dài (chỉ từ 10 đến 92 km), lượng vận tải mỗi đường ống từ 0,4 đến 1,8 triệu tấn /năm.

Vận chuyển tinh quặng phosphate có 5 đường ống ở Mỹ, Brazil và Trung Quốc, tuyến đường ống ngắn nhất là 14 km ở Brazil với lượng vận chuyển là 0,9 triệu tấn/năm, tuyến đường dài nhất là 153 km ở Utah-Mỹ với lượng vận chuyển là 2,9 triệu tấn/năm.

Mới chỉ có 3 đường ống vận chuyển than từ mỏ tới nhà máy phát điện ở Mỹ và Liên bang Nga, tuyến đường ngắn nhất là 174 km ở bang Ohio-Mỹ với lượng vận chuyển là 1,3 triệu tấn/năm, tuyến đường dài nhất là 439 km ở bang Arizona-Mỹ với lượng vận chuyển là 4,8 triệu tấn/năm.

Vận chuyển cao lanh có 2 đường ống đều ở Brazil, có chiều dài là 159 và 180 km với lượng vận chuyển là 1,2 và 1,3 triệu tấn/năm.

Đặc biệt là vận chuyển tinh quặng đồng có tới 15 đường ống ở Mỹ, Chile, Argentina, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Peru, Paqua, Niu Ginê; tuyến đường ống ngắn nhất là 11 km ở New Mexico-Mỹ với lượng vận chuyển là 0,1 triệu tấn/năm; tuyến đường ống dài nhất là 304 km ở Peru với lượng vận chuyển là 1,5 triệu tấn/năm. Chile là nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới, có tới 4 đường ống với lượng vận chuyển tổng cộng là gần 5 triệu tấn/năm. Indonesia cũng có 2 đường ống, một đường ống dài 18 km, đã vận hành từ năm 1999 và với lượng vận chuyển hàng năm là 1,1 triệu tấn/năm; tuyến đường thứ hai dài tới 119 km, đã vận hành từ năm 1972 và với lượng vận chuyển hàng năm là 1,3 triệu tấn.

Vận chuyển tinh quặng sắt trên thế giới có tới 16 đường ống ở Argentina, Mexico, Brazil, New Zealand, Trung Quốc, ấn Độ, Australia, Bắc Triều Tiên và Liên bang Nga. Tuyến đường ống ngắn nhất có chiều dài là 3 km ở New Zealand với lượng vận chuyển là 1,0 triệu tấn (mỏ này nằm ở ngoài khơi). Tuyến ống dài nhất có chiều dài là 395 km ở Mexico với lượng vận chuyển hàng năm là 12,0 triệu tấn. Trung Quốc đang xây dựng 2 đường ống: đường ống ở Tiên Sơn có chiều dài là 105 km, với lượng vận chuyển là 2,0 triệu tấn/năm, sẽ đưa vào vận hành trong năm tới; đường ống thứ hai ở Đại Hồng Sơn-Nam Ninh, có chiều dài là 171 km, với lượng vận chuyển là 2,0 triệu tấn/năm, sẽ hoàn thành trong năm 2007. Bắc Triều Tiên có đường ống ở Chongin dài 98 km, khối lượng vận chuyển hàng năm là 2,0 triệu tấn, đã hoạt động từ năm 1976.

Vận chuyển tinh quặng kẽm bằng đường ống có 2 hệ thống ở Australia và Peru. Hệ thống ở Peru dài 25 km, vận chuyển hàng năm 0,4 triệu tấn, đã hoạt động từ 1995. Hệ thống đường ống ở Australia dài tới 303 km, vận chuyển hàng năm là 0,9 triệu tấn, đã vận hành từ năm 1999.

Vận chuyển bô xit mới chỉ có 1 hệ thống đường ống ở Minera Vera Cruz-Brazil, đang xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2007. Chiều dài của tuyến là 244 km, lượng vận chuyển bô xít hàng năm là 8,0 triệu tấn. Lý do trên thế giới hiện nay chỉ có 1 hệ thống đường ống vận chuyển bô xít, có lẽ là vì hầu hết các mỏ bô xít đều nằm cạnh bờ biển như ở Australia, Jamaica, ấn Độ…và gần tuyến đường sắt quốc gia.

Điều đáng lưu ý ở đây là Công ty PSI (Pipeline Systems Incorporated) - Mỹ đã thiết kế, xây dựng tới 22 (trong số 45) hệ thống đường ống này, và Công ty này cũng tham gia thiết kế và xây dựng tới 12 hệ thống khác. Cũng chính PSI đang xây dựng đường ống vận chuyển bô xít đầu tiên ở Brazil.

3. Vận chuyển bô xít từ các mỏ Đắc Nông

Có nhiều công ty nhôm trên thế giới quan tâm đến bô xít Đắc Nông như Daewoo (Hàn Quốc), Pechiney (Pháp), Alcoa (Australia), Chalco và NFC (Trung Quốc) và BHP Billiton (Australia), gần đây có thêm Rusal (Liên bang Nga), Thái Lan và Đức. Các công ty Pechiney, Alcoa, Chalco, NFC và BHP đã cử chuyên gia đến khảo sát tại mỏ, các cảng có thể xuất khẩu alumine, địa điểm xây dựng nhà máy alumine, tuyến vận tải từ mỏ đến các cảng. Các chuyên gia cho rằng, nên xây dựng nhà máy alumine ở gần cảng để xuất khẩu thuận tiện hơn. Có thể xem xét 2 phương án vận tải: đường  sắt và đường ống. 

Về vận tải đường sắt: Tuyến đường sắt dài trên 300 km từ Đắc Nông xuống cảng Thị Vải, Cái Mép vốn đầu tư ước tính khoảng 700-800 triệu USD. Nếu chỉ đơn thuần để phục vụ vận chuyển hành khách, vận tải bô xít, hàng hoá khác thì vào thời điểm hiện nay, đường sắt này không có hiệu quả kinh tế; nhưng để phát triển kinh tế -xã hội cho Tây Nguyên thì hiệu quả do đường sắt đem lại không đo đếm được. Chỉ có điều, là đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này phải do Nhà nước đảm nhận.

Về vận tải bằng đường ống: Trong chuyến khảo sát tháng 6/2004 và tháng 10/2004, hai chuyên gia của PSI (một người tư vấn cho Chalco và một người tư vấn cho BHP Billiton) đều cho rằng, khả năng vận chuyển bô xít từ Đắc Nông xuống Phan Thiết-Bình Thuận hoặc xuống Thị Vải, Cái Mép (Bà Rịa -Vũng Tàu) bằng đường ống là hoàn toàn có thể thực hiện được vì chiều dài đường ống khoảng 300 km, chỉ  cần một trạm bơm vì độ cao của mỏ và tuyến đường ống đi qua chỉ khoảng 600 đến 700 m so với mặt biển, vốn đầu tư ước tính khoảng 150-200 triệu USD. Lượng nước tiêu phí để phục vụ cho vận chuyển không lớn, khoảng 4 triệu m3/năm, nếu nhà máy alumine có công suất 1,5 triệu tấn alumine/năm. Đương nhiên, nhà đầu tư dự án khai thác bô xít và sản xuất alimine phải xây dựng đường ống này.

Công nghệ vận tải đường ống này nên được xem xét không chỉ đối với dự án bô xít-alumine Đắc Nông, mà có thể cả đối với dự án bô xít-alumine ở Lâm Đồng, quặng sắt Qúi Xa cho Gang-Thép Thái Nguyên, quặng sắt Thạch Khê cho nhà máy thép liên hợp, than Quảng Ninh cho các nhà máy điện ở Hải Phòng, Nghi Sơn, Ninh Bình và phân đạm ở Ninh Bình và Bắc Giang. Hiện nay, Chalco-NFC và BHP Billiton đang chuẩn bị cả hai phương án vận tải đường sắt và đường ống cho bô xít Đắc Nông để trình các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét./.


  • Tags: