Vấn đề nguyên liệu thép phế trong luyện thép

Trong công nghệ luyện thép hiện nay, tỷ lệ thép luyện bằng lò điện đã tăng dần từ 30% lên 40% và tương lai là hơn 50%. Luyện thép theo công nghệ lò điện với những trang thiết bị hiện đại với nguyên li

Những vấn đề đặt ra đối với sắt thép phế liệu làm nguyên liệu cho lò điện luyện thép.

Sau năm 1975, chấm dứt thời kỳ chiến tranh kéo dài, nguồn sắt thép phế liệu do chiến tranh để lại ở nước ta có hàng chục triệu tấn. Thời gian đó, ngành luyện kim trong nước chưa phát triển, mỗi năm chỉ sản xuất được 50.000T đến 60.000T thép, sử dụng từ 60.000 đến 70.000 tấn sắt thép phế liệu, nên hầu hết các địa phương thu mua thép phế liệu để xuất khẩu lấy ngoại tệ. Mãi tới những năm 1985-1986, Chính phủ mới hạn chế và sau đó cấm hẳn xuất thép phế liệu để giữ lại làm nguyên liệu cho ngành luyện kim trong nước. ở thời kỳ kinh tế bao cấp, giá thu mua sắt thép phế liệu do Nhà nước qui định quá thấp, không khuyến khích dân thu gom, nên các công ty thép không thể mua được thép phế liệu cho các lò điện nấu luyện, Công ty Thép miền Nam vào những năm 1979-1980, sản lượng chỉ đạt 25.000-30.000 T/năm.

Tới những năm 90, thế kỷ XX nhờ đổi mới chính sách kinh tế của đất nước, ngành luyện kim trong nước, với 22 lò luyện thép, sản lượng phôi thép đã tăng dần (xem bảng).

Cũng từ năm 1990, các công ty sản xuất thép đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua thép phế, do các nguyên nhân:

- Nguồn phế thải chiến tranh thu gom để xuất khẩu ồ ạt trong những năm 80 thế kỷ trước đã làm cho nguồn phế thải trong nước cạn kiệt dần.

- Các công ty thép đầu tư thêm lò điện, cỡ lớn nhất với công suất 30T/mẻ ở Thái Nguyên và 20 T/mẻ ở miền Nam nên công suất sản xuất phôi tăng cao, đòi hỏi nguyên liệu thép phế nhiều hơn trước.

- Các lò điện thủ công ở các làng nghề cũng phát triển ồ ạt, tranh giành nguồn thép phế liệu với các công ty Thép nhà nước.

- Giá thép phế được đẩy lên cao liên tục do khan hiếm và do cung thấp hơn cầu, tăng từ 500-600 đ/kg lên tới 1.500-1.800 đ/kg tùy theo chất lượng.

Từ năm 2000, để có đủ nguyên liệu sản xuất, các công ty sản xuất thép đã phải tìm nguồn thép phế nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Nga, Nhật…) với giá cao (110-120 USD/T) để bổ sung hòa trộn với thép phế thu mua trong nước có giá rẻ hơn, nhằm bảo đảm giá thành phôi thép ngang với giá phôi thép nhập khẩu. Đã xuất hiện một số công ty phá dỡ tàu cũ, nhập tầu của nước ngoài hoặc thu mua tàu cũ trong nước tháo dỡ, thu hồi các tấm thép và phụ tùng của tàu còn sử dụng để bán cho các nhà máy luyện thép làm nguyên liệu lò điện. Tuy nhiên, việc tháo dỡ tàu cũ cũng còn nhiều khó khăn trở ngại, nên chưa phát triển, do nguồn tàu cũ không nhiều, vốn mua tàu cũ đòi hỏi lớn, vấn đề vị trí tháo dỡ và bảo vệ môi trường nơi tháo dỡ cũng phải đầu tư mới có thể tiến hành.

Những vấn đề cần phải làm để có nguyên liệu thép phế cho luyện thép.

ở các nước công nghiệp phát triển, đời sống nhân dân cao, việc thải loại các thiết bị cũ, các đồ dùng kim loại cũ nhằm đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm được tiến hành liên tục. Vì vậy, nguồn phế thải vô cùng phong phú, sản phẩm thép được luyện lại từ thép phế thải chiếm tới 32-40% tổng lượng thép sản xuất hàng năm.

ở Việt Nam, do công nghiệp đang ở giai đoạn phát triển, việc đổi mới thiết bị và đồ dùng thải loại không nhiều, phế thải chiến tranh cạn dần, chắc chắn chúng ta sẽ phải nhập sắt thép phế để làm nguyên liệu cho các nhà máy thép lò luyện đang xây dựng. Những việc cần phải làm để có thép phế nhập khẩu là:

- Phải chuẩn bị cảng nước sâu, có thể tiếp nhận được tàu 3 vạn – 5 vạn tấn hoặc cao hơn để chuyên chở thép phế nhập về từ các nước, nếu tàu có trọng tải nhẹ, giá chuyên chở cao, không thể nhập được thép phế.

- Cần có cảng chuyên dùng và thiết bị vận chuyển thép phế chuyên dùng vì thép phế đòi hỏi kho bãi và thiết bị bốc xếp vận chuyển thích hợp, nếu không có mà dùng chung kho bãi và thiết bị cảng như hiện nay thì không thể giải phóng tầu nhanh, chi phí lưu tầu, lưu kho sẽ rất lớn, giá thành không chịu đựng nổi. Tổng lượng thép phế nhập hàng năm cho mỗi nhà máy thép sẽ là 600.000-700.000 T, nên không thể dùng chung bến cảng với các hàng hóa khác.

- Thực hiện đúng qui định về tiêu chuẩn chất lượng cho sắt thép phế nhập khẩu mà Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành.

Nhập thép phế để luyện thép có nghĩa là chấp nhận giá đầu vào cao. Muốn đảm bảo cạnh tranh được với các nước trong khu vực khi hội nhập, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để giảm bớt các chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Vì giá sản phẩm thép cán ở nước ta đang cao hơn các nước trong khu vực từ 20-30%, khi hội nhập, sự bảo hộ bằng thuế tối đa đối với sản phẩm thép chỉ còn 5%, và dần dần là 0%, sẽ là thử thách to lớn đối với ngành Thép Việt Nam. Các dự án xây dựng nhà máy thép mới sẽ phải chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về giá thành và chất lượng thép, mới hy vọng tồn tại và phát triển.

Kết luận

Nước Việt Nam với dân số hơn 80 triệu người đang đòi hỏi ngành Công nghiệp thép phải phát triển nhanh chóng để thỏa mãn nhu cầu xây dựng và nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp khác. Trước khi có đủ điều kiện xây dựng khu luyện kim liên hợp hoàn chỉnh đi từ quặng sắt, chúng ta chấp nhận các đề án lò điện, sử dụng sắt thép phế liệu thu mua trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài như hầu hết các nước Đông Nam á đã thực hiện trong hơn 30 năm qua. Điều quan trọng là phải nhanh chóng tổ chức và thực hiện mọi biện pháp để có thể triển khai thành công các dự án sản xuất thép bằng lò điện đã được Chính phủ phê duyệt.
  • Tags: