Vấn đề rác thải công nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam

Công tác bảo vệ môi trường hiện đang được coi là vấn đề mang tính toàn cầu. Chính phủ các nước đang tìm mọi cách để tìm ra phương án tối ưu để giải quyết vấn đề này. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm do sản

 

 Rác thải công nghiệp trên thế giới

 Riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 20 triệu máy tính bị quẳng ra bãi rác. Tại các nước EU, khối lượng rác điện tử dự kiến tăng 3-5% mỗi năm. ở các nước đang phát triển, lượng rác điện tử sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2010. Ngoài máy tính, số lượng ĐTDĐ bán ra cũng tăng với tốc độ chóng mặt. Hiện nay, Trung Quốc có tới 20 triệu chiếc ĐTDĐ trở thành rác thải mỗi năm. Còn ở Mexico tồn tại ít nhất 297 khu vực có đất đai bị ô nhiễm bởi rác thải độc hại, trong đó nhiều nơi từng là cơ sở công nghiệp sản xuất các loại hóa chất độc hại; các khu vực bị ô nhiễm ở Mexico tập trung tới 36% lượng kim loại độc hại như chì, crôm, kẽm, thủy ngân, 17% rác thải sinh học dễ lây nhiễm, 11% là dầu mỡ đã qua sử dụng, phần còn lại là các chất thải hóa học vô cơ, dung môi... Kết quả kiểm tra tại 17 cảng của châu Âu gần đây cho thấy, trong số 258 kiện hàng bị kiểm tra, 140 kiện có chứa rác, trong đó 48% là rác thải vận chuyển bất hợp pháp.

 Rác thải độc hại đã từng lật đổ một Chính phủ đang cầm quyền! Sự kiện chấn động này vừa xảy ra ở quốc gia Tây Phi (Bờ biển Ngà). Một Chính phủ quá độ đã được thành lập để thay thế Chính phủ vừa từ chức tập thể 10 ngày trước đó vì vụ rác thải độc hại gây ô nhiễm nghiêm trọng ở thủ đô Abidjan. Mới đây, Hội nghị về quản lý rác thải độc hại quốc tế do Liên Hợp quốc tổ chức tại Bali (Inđônêxia từ 23 đến 27-6-2008) đã kết thúc sau 5 ngày nhóm họp mà không phá vỡ được thế bế tắc về tình trạng buôn bán rác thải độc hại qua biên giới. Các đại biểu nhất trí không cấm xuất khẩu rác thải độc hại mà đề nghị chính phủ các nước tự hành động.

 Nhiều nước đang phát triển hiện vẫn tiếp tục chấp nhận rác thải độc hại có xuất xứ từ các nước phát triển, như máy vi tính cũ, tàu biển không sử dụng,... với quan điểm thiển cận là để thoát nghèo, cho dù chúng tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường, nhất là nguồn nước ngọt quý hiếm. Theo kết quả nghiên cứu của Mỹ vào năm 2002, có khoảng 12,75 triệu máy tính ở Mỹ được đưa đi tái chế. Dựa vào số liệu này, tức là khoảng 10,2 triệu máy tính cũ được xuất sang châu Á. Có thể hình dung số lượng rác thải điện tử này nếu xếp đống sẽ chiếm diện tích 4.000 m2, với chiều cao là 128 m. Hiện nay, châu Á đã trở thành núi rác khổng lồ của thế giới phát triển. Ấn Độ và Bangladesh là hai quốc gia thầu gần như 90% các tàu cũ cần được dỡ bỏ. Những năm gần đây, muốn đưa tàu đi phá phải khử hết các chất độc hại có trên tàu. Nhưng chẳng mấy chủ tàu muốn làm điều đó...

 Việt Nam có nguy cơ biến thành bãi thải công nghiệp thế giới

 Nhiều người lo ngại, việc chuyển dịch chất thải công nghiệp từ một số nước có nền kinh tế phát triển dẫn đến nguy cơ biến Việt Nam trở thành một bãi thải công nghiệp của thế giới mà không thể kiểm soát. Trong một báo cáo gửi Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cảnh báo như vậy.

 Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc chuyển dịch ô nhiễm xuyên biên giới ngày càng đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam do chúng ta có đường bờ biển dài, một số dòng sông chung biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với xu hướng chuyển dịch chất thải công nghiệp từ một số nước có nền kinh tế phát triển, nguy cơ biến nước ta trở thành một bãi thải công nghiệp của thế giới.

 Thực tiễn hiện nay cho thấy, số vụ việc nhập khẩu chất thải núp dưới các hình thức khác nhau (nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu hàng cũ đã qua sử dụng để bán lại trong nước...) đang diễn ra ngày càng tăng về số lượng, phức tạp về tính chất.

 Ở Việt Nam đã và đang diễn ra cuộc chiến bảo vệ môi trường giữa những người có lương tâm và những kẻ chỉ vì lợi nhuận nhập nhiều lô hàng là rác thải của các nước. Có tin, trong 2 ngày 11 và 12/6/2008, lực lượng cảnh sát kinh tế (Công an Hải Phòng) và Chi cục Hải quan cửa khẩu Khu vực 3 cảng Hải Phòng đã phát hiện 64 container rác thải công nghiệp được nhập khẩu về qua cảng. Hàng hoá được khai báo là "giấy phế liệu", song qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cả 10 container đều chứa rác thải công nghiệp gồm báo cũ, bìa carton, dây điện, rẻ rách... đã bị phân huỷ và bốc mùi xú uế, thuộc diện các mặt hàng cấm nhập theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Bức xúc hơn, có những lô hàng rác nhập khẩu, nhưng theo quy định của pháp luật và Bộ Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất, thì “ông” Tỉnh, “ông” Thành phố lại cho phép doanh nghiệp để lại “xử lý” trong nước.

 Quản lý chất thải rắn tại các đô thị cũng đang là vấn đề môi trường bức xúc ở nước ta hiện nay. Lượng chất thải rắn tại các đô thị được thu gom mới đạt 70% tổng lượng chất thải rắn phát sinh. Tại nhiều đô thị chưa có hệ thống phân loại xử lý riêng đối với chất thải nguy hại (từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề và y tế), phần lớn các đô thị chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và vận hành đúng quy trình.

 Đi tìm nguyên nhân

 Theo thống kê từ các Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo, hoặc cam kết bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 55 - 70 %); 100% cơ sở có phát sinh nước thải chưa thực hiện việc xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 98% doanh nghiệp được lấy mẫu nước thải công nghiệp trước khi xả thải vào môi trường, có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Việc kiểm soát lỏng lẻo này có một nguyên nhân quan trọng là, nước ta chỉ có khoảng 7 người/1 triệu dân làm công tác quản lý nhà nước về môi trường, trong khi con số này ở nước láng giềng Trung Quốc là 20 người, so với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan là 30 người, Campuchia là 55 người, Malaysia là 100 người, Singapore là 330 người... Đối với các nước phát triển, thì con số này còn cao hơn nhiều, ví dụ như Canada là 155 người, Vương quốc Anh là 204 người... Nhưng điều quan trọng nhất, cơ bản nhất, có tính quyết định nhất và cũng là khó nhất hiện nay, là sự kém hiệu quả của các cơ quan chức năng, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, vừa thiếu chế tài, vừa không xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Các quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, mặc dù đã được Chính phủ ban hành, song còn mang tính hình thức, số kinh phí thu được mới chỉ bằng 1/10 so với tổng kinh phí mà Nhà nước phải chi cho các dịch vụ thu gom và xử lý chất thải. Các chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, trong khi các cơ quan chức năng còn lúng túng trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường....

  • Tags: