Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) đã dành phần lớn thời gian để trả lời các câu hỏi của cổ đông về tác động của các chính sách thuế quan mới.
Ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam nhấn mạnh công ty liên tục theo dõi các biến động kinh tế vĩ mô, bám sát diễn biến thị trường vận tải biển toàn cầu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đối với đội tàu khô, các tàu của công ty chủ yếu hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên ít bị ảnh hưởng liên quan tới tác động của các chính sách thuế quan mới.
Đồng thời, công ty cũng đã chủ động trong việc điều hướng nhóm tàu lớn (Supramax) ra hoạt động trên các tuyến xa như châu Phi, Nam Mỹ với các mặt hàng chính là nguyên liệu thô như nông sản, gạo, quặng… nhằm tránh các tác động tiềm tàng của chính sách thuế quan.

Đáng chú ý, ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam đánh giá nếu chính sách thuế quan mới của Mỹ được áp dụng, có thể sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc các luồng vận chuyển hàng hoá trên toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu hàng hoá từ các khu vực khác về châu Á và ngược lại, mở ra các cơ hội kinh doanh nếu được nắm bắt kịp thời.
Đối với đội tàu dầu, Vận tải biển Việt Nam vẫn đang dõi chặt chẽ các diễn biến thị trường để có giải pháp phù hợp.
Ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam cũng cho biết, với tình hình tài chính lành mạnh, công ty đang được nhiều tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước như BIDV, HSBC, Fubon Bank… quan tâm tài trợ cho các dự án đầu tư, mở rộng đội tàu.
Năm nay, công ty dự kiến sẽ đầu tư mua 01 - 02 tàu container đã qua sử dụng, trọng tải khoảng 1.000 TEUs, tuổi dưới 15 tuổi đóng tại Nhật Bản/Hàn Quốc/Trung Quốc/Việt Nam với trị giá tối đa 20 triệu USD/tàu. Dự kiến công ty sẽ vay khoảng 60% giá trị tàu đối với từng dự án với mức lãi suất phù hợp và theo tính toán của Công ty, các dự án có hiệu quả.

Cũng theo ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục bám sát thị trường để triển khai việc đầu tư đóng mới và/hoặc mua re-sale và/hoặc mua lại tàu đã qua sử dụng 04 tàu cỡ Ultramax (62.000 - 66.000 DWT) dưới 10 tuổi, đóng tại Nhật Bản hoặc tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, với giá thấp hơn 40 triệu USD/tàu.
Bên cạnh đó, Vận tải biển Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR (khoảng 50.000 DWT). Ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện nay đã có thêm khá nhiều tàu được chào bán/giao dịch thông qua hình thức re-sale (đang đóng dở dang/đóng gần hoàn thiện và chủ tàu bán lại) hoặc tàu mới khai thác được trong thời gian ngắn (dưới 08 tuổi) nhưng chủ tàu có nhu cầu bán lại tàu.
Tính đến cuối năm 2024, Vận tải biển Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 421.699 DWT gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời; 4 tàu dầu sản phẩm, hóa chất; và 02 tàu container.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu ở mức 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 376 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,8% và 10% so với mức thực hiện của năm 2024.