Không cho vay mua vàng miếng
Ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN. Trong đó, có những điều khoản được giữ nguyên. Cụ thể, giữ nguyên quy định 7 nhu cầu vốn sau đây không được cho vay:
Thứ nhất, để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
Thứ hai, để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
Thứ ba, để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
Thứ tư, vay mua vàng miếng.
Thứ năm, để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ sáu, để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 02 điều kiện: thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; là khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thứ bảy, để gửi tiền.
Thông tư số 10 có hiệu lực từ 1/9/2023, tức chỉ còn 4 ngày nữa các tổ chức tín dụng không được cho vay 7 nhu cầu vốn nói trên.
Phục vụ phát triển kinh tế
Thông tư số 10/2023/TT-NHNN cũng giữ nguyên một số điều của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng tạo thuận lợi cho vay một số lĩnh vực và loại hình doanh nghiệp mà Chính phủ đang khuyến khích đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Thông tư 06 đã Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
Trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.”
Thông tư 10 cũng giữ nguyên quy định của Thông tư 06 trong việc sửa đổi bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 22 của Thông tư 39 về điều kiện cho vay. Trong đó quy định các tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; tiêu chí xác định khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh được vay vốn theo lãi suất cho vay; hồ sơ cho vay và các tài liệu, dữ liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn; quy định cụ thể điều kiện cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm, phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm.