Đến 10h00 (giờ Nhật Bản) ngày 19/1, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam nghiên cứu và chế tạo đã có 3 lần liên lạc với trạm mặt đất tại ISAS/JAXA và trung tâm điều khiển tại Đại học Tokyo.
Vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của không khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất. Đồng thời MicroDragon cũng sẽ thử nghiệm một số công nghệ vật liệu mới.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, với những tín hiệu vệ tinh gửi về đầu tiên, các thiết bị trên vệ tinh hoạt động bình thường theo thiết kế. Theo kế hoạch, vệ tinh sẽ đi vào trạng thái hoạt động ổn định trong khoảng từ một đến hai tuần tới.
Đội ngũ cán bộ Việt Nam và Nhật Bản- thành viên dự án trực tại trạm mặt đất ở Đại học Tokyo sau lần thu tín hiệu đầu tiên vào lúc 20h30 tối 18-1 (giờ Nhật Bản) - Ảnh: VNSC
Trước đó, vào lúc 7h25ngày 18/01/2019, vệ tinh MicroDragon cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Khoảng 8h55, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá sự kiện phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh này cho thấy, khi Việt Nam phối hợp với các quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ vũ trụ,chúng ta đang từng bước làm chủ, học hỏi và tiến tới là tự phát triển vệ tinh riêng của mình.
Được biết, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án lớn nhất trong lĩnh vực khoa học - công nghệ của nước ta từ trước đến nay với số vốn đầu tư kỷ lục 600 triệu USD.
MicroDragon là vệ tinh đầu tiên chính thức do đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam chế tạo, tích hợp. Vệ tinh này có kích thước 50 x 50 x 50 cm, nặng khoảng 50 kg.