Vedan: Dùng công nghệ tinh vi lẩn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường sống

Trong bất cứ thời đại nào, công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, công nghệ luôn phải đáp ứng 2 vấn đề, đó là tí

  Thủ đoạn xả thải

 Theo Bộ trưởng Bộ tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Công ty Vedan đã thiết kế hệ thống điều khiển tinh vi để chất thải được xả theo ý người vận hành. Lắp đặt nhiều đường ống sâu dưới đất để chất thải không cần qua xử lý "tuôn" ngầm ra sông Thị Vải suốt từ 1994 đến nay. Thủ đoạn này tinh vi đến mức, Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai liên tục kiểm tra mà không hề phát hiện... Sau khi phát hiện, Liên Bộ Tài nguyên & Môi trường – Công an đã làm việc với lãnh đạo Công ty Vedan. Theo đó, Phó Tổng giám đốc Công ty Vedan đã thừa nhận sai phạm và đổ lỗi cho việc đầu tư xây dựng nhà máy quá nhanh, hệ thống xử lý nước thải không theo kịp công suất (Vedan tự ý nâng công suất nhà máy lên gấp đôi mà không làm báo cáo tác động môi trường) nên trung bình mỗi tháng xả trên 44.800 m3 dịch thải lỏng sau lên men từ tinh bột sắn, mật gỉ đường có nhiều hoá chất độc hại ra nguồn nước.

 Sử dụng công nghệ gì?

 Cũng theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, khi đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường kiểm tra hệ thống xử lý chất thải đã ngỡ ngàng khi phát hiện từ 2 khu bể chứa (6.000 - 7.000 m3 và 15.000m3) chứa dịch thải lỏng sau sản xuất của 3 nhà máy thuộc Công ty CPHH Vedan (Nhà máy sản xuất lysin, Nhà máy sản xuất bột ngọt và Nhà máy sản xuất PGA) đã phát hiện một hệ thống van và đường ống kỹ thuật rất tinh vi.

 Tại khu vực bể bán âm chứa dịch thải sau sản xuất lysin (6.000 m3 -7.000 m3) Công ty đã “dày công” thiết kế máy bơm công suất khoảng 350m3/h. Đầu hút máy bơm đặt trong bể chứa chất thải. Đầu ra máy bơm chia thành 3 đường ống, 1 vào khu vực để sản xuất, 1 vào hồ chứa và 1 đường chính nối với trụ bơm được cắm sâu ở cầu cảng số 2 để thải ra ngoài sông. Khi khoá tất cả các van lại, chỉ để van đường ống chính rồi vận hành máy bơm thì chất thải từ bể chứa sẽ xả trực tiếp ra sông. Còn tại khu vực bể chứa gỉ mật đường (15.000 m3) có một hệ thống van đóng mở có thể điều khiển dòng chất lỏng theo ý người vận hành. Việc vận hành hệ thống máy bơm do hai người nước ngoài của Công ty đảm nhiệm và xả vào ban đêm, trung bình 24 giờ xả 2 tiếng đồng hồ.

 Hình phạt nào cho Vedan

 Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Vedan và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý những sai phạm của Công ty Vedan theo đúng thẩm quyền. Đó là các Quyết định số 131/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan là 127,535 tỷ đồng; Quyết định số 1999/QĐ- BTN&MT về việc đình chỉ có hiệu lực Giấy phép xả nước thải vào nguồn của Công ty Vedan. Theo đó, Công ty Vê dan phải nộp phạt 267.500.000 đồng về 12 nội dung vi phạm bảo vệ môi trường, như xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên đối với nhà máy sản xuất tinh bột biến tính của Công ty, từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với nhà máy sản xuất bột ngọt và lysine, từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với các nhà máy khác trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50m3/ngày đến dưới 5000 m3/ngày; nộp không đầy đủ các số liệu điều tra, khảo sát, quan trắc và các tài liệu liên quan khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thải mùi hôi thối khó chịu trực tiếp ra môi trường; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường; xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí trong giấy phép; xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên; xả nước bùn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên... Đặc biệt, Thanh tra liên ngành yêu cầu Công ty Vedan phải nộp ngay khoản truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là 127.268.067.520 đồng; đồng thời phải thực hiện việc nộp phí trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định 131. Văn bản này cũng nêu rõ những biện pháp mà Công ty Vedan phải khắc phục hậu quả môi trường như tháo gỡ toàn bộ hệ thống đường ống, cống ngầm, máy bơm và các thiết bị có liên quan (trong thời hạn 1 tháng), cấm hoạt động xả chất thải, đình chỉ hành vi xả thải....

 Trong Công văn số 3880/BTN& MT-TCMT gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND Tỉnh ban hành theo thẩm quyền quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty Vê dan cho đến khi hoàn thành biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường. Còn tại công văn trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Vedan, BộTN&MT kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ cho phép Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam tiếp nhận và sử dụng khoản kinh phí tiền phạt, tiền truy thu nộp phí, tiền đền bù thiệt hại... từ Công ty Vedan và một số doanh nghiệp khác đang hoạt động trên lưu vực sông Thị Vải, nhằm bổ sung nguồn kinh phí của quỹ để phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện đề án khắc phục hậu quả môi trường, kinh tế xã hội trên lưu vực sông Thị Vải...

  • Tags: