Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tiếp đà Quý I/2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý II đạt mức 6,71%, trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76%. Tuy nhiên, các chỉ số này đều thấp hơn so với cùng kì năm 2018 và so với 6 tháng đầu năm 2018, cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể, thống kê của các chuyên gia VEPR cho thấy, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,69% thấp hơn so với sáu tháng đầu năm 2018, tuy nhiên những nhóm ngành chủ lực vẫn tăng trưởng ổn định. Bán buôn và bán lẻ tăng trưởng tốt 8,09% và tiếp tục là ngành có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 2,39%, nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi lan trên diện rộng và thời tiết khắc nghiệt tại miền Bắc và Nam khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm do đó ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3%.
Trong khi đó, nhờ vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Mỹ tăng cao, ngành thủy sản tăng trưởng tốt ở mức 6,45%. Tuy nhiên, dưới áp lực gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, sản lượng khai khác trong giai đoạn cuối năm có thể giảm, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng khu vực này.
Ngoài ra, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,93% thấp hơn mức 9,1% của cùng kỳ 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù tăng trưởng mạnh ở mức 11,18% nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kì năm trước, đóng góp 2,38 điểm phần trăm vào kinh tế chung. Trong khi đó, ngành khai khoáng lại tăng trưởng ổn định ở mức 1,78% nhờ vào khai thác than tăng cao.
Đáng chú ý, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, cơ cấu đóng góp của các khu vực kinh tế vào GDP đang di chuyển theo xu hướng thể hiện tính thị trường nhiều hơn: đóng góp của khu vực nhà nước ngày càng giảm, còn 27,67% (năm 2018), trong khi đóng góp của khu vực FDI và ngoài nhà nước ngày càng tăng lần lượt đạt 20,28% và 42,08% (năm 2018).
Tuy nhiên, báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2019 của VEPR chỉ ra rằng, tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2018, bằng 33,1% GDP.
Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%), tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng trưởng thấp nhất, chỉ khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, VEPR nhận xét, tăng trưởng vốn đầu tư FDI bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ 2018 được hy vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam, nhưng thực tế không phản ánh điều đó.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI tăng 9,7% - cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6, 1.723 dự án cấp phép mới số, tăng 26,1% vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tiếp theo là dòng vốn đổ vào ngành bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Xét theo đối tác, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc đạt 1.239,2 triệu USD, Nhật Bản đạt 972 triệu USD, HongKong đạt 920,8 triệu USD.
Bình luận về con số này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu tính chung là Trung Quốc và HongKong thì khu vực này sẽ chiếm tới hơn 40% vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2019.
PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao và hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam, hiện tại tổng vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn.
"Tuy nhiên, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn đem lại nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động,... Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các FTA thế hệ mới", ông Thành nhìn nhận.
Với mức tăng GDP Quý II là 6,71% VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,6 – 6,8% của Quốc hội là khả thi. Tuy nhiên trước thương chiến Mỹ - Trung, tương lai của Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
VEPR dự báo Quý III sẽ tăng trưởng 7,06% (lạm phát 3,38%), Quý IV tăng trưởng 7,17% (lạm phát 4,21%). Cả năm, dự báo tăng trưởng GDP là 6,96%.