Có 6 nguyên nhân lý giải cho hiện tượng trên.
Thứ nhất là hệ sinh thái đã hoàn chỉnh.
IDI là một trong những công ty đứng đầu Việt Nam về chế biến và xuất khẩu cá tra. Công ty hiện có hơn 400 ha ao nuôi chủ động và hợp tác với nông dân nuôi gia công cho IDI, công ty chủ động sản xuất con giống và tự chủ động thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, nguồn điện Công ty sử dụng là hệ thống điện năng lượng mặt trời tự lắp đặt 2 MW. Do có chuỗi sản xuất khép kín nên giá thành có thể cạnh tranh với bất kỳ công ty nào cùng ngành.
Trong quý I - II - III/2021, giá cá tra xuất khẩu của IDI chỉ khoảng 2,1- 2,2 USD/kg, bên cạnh đó, các yếu tố khác như giá cá xuống thấp cũng như bị tác động của dịch bệnh làm cho công nhân nghỉ việc hay chi phí cho việc sản xuất 3 tại chỗ, giá cước vận tải biển lên cao..., nhưng kết quả kinh doanh của Công ty vẫn không bị lỗ.
Thứ hai là giá cá xuất khẩu tăng cao.
Nếu như 3 quý vừa qua, giá cá xuất khẩu chỉ ở mức 2,1 - 2,4 USD/kg thì nay giá cá xuất khẩu đã tăng ngoạn mục lên mức 2,8 - 3,0 USD/kg, như vậy giá cá đã tăng thêm gần 30%.
IDI hợp tác với nông dân thu mua cá với giá 20.000 đồng/kg, những tháng trước đây giá thị trường vào khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg, IDI thường phải bù lỗ cho họ thì nay giá cá đã tăng lên 23.500 đồng/kg. Dự kiến, giá cá trong thời gian tới có thể lên tới 28.000 đồng/kg. Như vậy, nếu tính theo giá hiện tại thì việc đầu tư nuôi cá cũng đã hiệu quả hơn so với trước đây khoảng 6.000 đồng/kg, tương đương mức tăng trên 30%.
Đồng thời, trong thời gian tới, nếu giá cá xuất khẩu tiếp tục tăng thì lợi nhuận của IDI cũng sẽ tăng theo. Trước đây, ở điều kiện bình thường, IDI mỗi quý xuất khẩu khoảng trên 1.500 tỷ đồng/quý, như vậy với giá cá tăng 30% thì khi việc sản xuất trở lại bình thường có thể đem lại cho IDI khoảng trên 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế/quý.
Thứ ba là cước vận tải biển đã giảm.
Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty, được biết cước vận tải biển đã giảm 50 - 60%. Việc cước vận tải giảm có thể tiết giảm chi phí khoảng 30 tỷ đồng/quý.
Thứ tư là lợi thế hàng tồn kho.
Trong đợt dịch, do nhiều đơn vị trong ngành cá tra không xuất khẩu được, với lợi thế có nhiều kho lạnh, IDI đã thu mua lại của các đơn vị này với lượng cá khoảng 1.400 tỷ đồng, tương ứng giá cá khoảng 17.000 đồng/kg, thì đến nay, giá cá đã tăng hơn 30%, riêng khoản tồn kho này đã đem lại cho IDI khoảng 400 tỷ đồng.
Thứ năm là đối thủ cạnh tranh trong nước đã giảm thiểu.
Với đợt dịch kéo dài 2 năm qua đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra lao đao và không còn khả năng gượng dậy được nữa, với con số ước chừng khoảng 70% và chỉ còn 30% có khả năng trụ lại, hoạt động tốt.
Như vậy, từ nay sẽ không còn cảnh các doanh nghiệp cá tra lấy giá ra để cạnh tranh mang tính chất hủy diệt như trước nữa (bởi Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra nên cạnh tranh không lành mạnh, mặc dù là nước chiếm 98% doanh số xuất khẩu cá tra nhưng giá cạnh tranh nhau dẫn tới giá xuất khẩu chỉ đạt 2,1 USD/kg, trong khi trước đó là 4,5 USD/kg). Theo đó, với đợt dịch này đã thanh lọc bớt các doanh nghiệp chế biến cá tra yếu kém và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp còn lại.
Thứ sáu là do thế giới bị dịch bệnh nên khả năng sản xuất hàng hoá thiết yếu bị giảm công suất.
Cụ thể, do hàng hoá thiết yếu sản xuất ra giảm, nhu cầu hàng hóa giá phải chăng tăng vì thu nhập của người dân giảm trong đợt dịch dẫn tới đơn đặt hàng của IDI tăng mạnh. Hiện nay, khách hàng đã đặt IDI lên tới 1.400 container cá tra.
Như vậy, với 6 nguyên nhân trên đã giúp cho IDI trong thời gian tới có thể đem lại lợi nhuận khoảng trên 1.000 tỷ đồng, chính điều này đã giúp cho cổ phiếu IDI tăng phi mã trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi tính ra lợi nhuận của IDI trong tương lai cũng không thua kém gì VHC.