Đây là hoạt động nằm trong lộ trình giảm tỷ lệ vi phạm BQPM của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin nước nhà. Động thái này cũng thể hiện quyết tâm tăng cường thanh tra BQPM của Chính phủ tại khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là nhóm có tỷ lệ vi phạm BQPM rất cao.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ - đụng đâu vi phạm đó!
Trong cuộc thanh tra đầu tiên được thực hiện tại Công ty CP Trần Đức ( trụ sở tại Ấp Bình Phước A, xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào ngày 31/5, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra 39 máy tính và phát hiện hàng trăm các phần mềm bất hợp pháp được cài đặt trong máy tính để phục vụ cho mục đích kinh doanh của công ty. Các phần mềm được tìm thấy đa số là các phần mềm thông dụng bao gồm: Microsoft Windows XP; Microsoft Office 2003; Microsoft Window 7; Microsoft Office Enterprise 2007; Windows Serve 2003; từ điển Lạc Việt 2002 và các phần mềm chuyên dụng như AutoCAD và Adobe Photoshop.
Ngay trong cuộc thanh tra ngày hôm sau (1/6) được thực hiện tại Công ty CP dược phẩm Vimedimex (602/45D Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP.HCM), lực lượng thanh tra liên ngành tiếp tục phát hiện hàng trăm phần mềm vi phạm được cài đặt trong 46 máy tính của công ty. Tương tự như kết quả cuộc thanh tra trước đó, các phần mềm được tìm thấy bao gồm: Microsoft Office 2003; Windows XP, Window Vista, Window 7 và LacViet MTD 2002.
Đại diện cả hai công ty trên đã ký vào biên bản thanh tra thừa nhận hành vi cài đặt các phần mềm không có bản quyền trên mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đoàn thanh tra cũng yêu cầu đại diện Công ty CP Trần Đức và Công ty CP dược phẩm Vimedimex chấm dứt hành vi vi phạm, dỡ bỏ toàn bộ các phần mềm vi phạm và làm việc với chủ sở hữu để mua các phần mềm hợp pháp sử dụng cho các máy tính phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch, trong năm 2009 ý thức tôn trọng BQPM trong khối doanh nghiệp lớn có sự cải thiện rõ ràng. Trong 27 cuộc thanh tra được thực hiện, có những công ty Đoàn thanh tra không tìm thấy bất kỳ một phần mềm bất hợp pháp nào được cài đặt hoặc có những công ty chỉ tìm thấy rất ít phần mềm vi phạm. Tuy vậy, tại khối DN vừa và nhỏ, các cửa hàng Internet và khối cá nhân thì tình trạng vi phạm khá tràn lan.
Ông Thành cũng cho rằng đã đến lúc các DN nên rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm máy tính tại công ty và cân nhắc một cách nghiêm túc về việc tuân thủ quyền SHTT phần mềm để tránh những rắc rối về mặt pháp lý không đáng có do hành vi này gây nên.
Sử dụng phần mềm lậu trong DN: Lợi bất cập hại!
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc mua và sử dụng phần mềm sao chép bất hợp pháp sẽ làm cho người sử dụng phải đối mặt với những rủi ro về bảo mật, bao gồm cả vi rút và phần mềm gián điệp. Như vậy, các DN sử dụng các phần mềm không bản quyền đang tự đẩy bản thân mình, khách hàng của mình, các đối tác kinh doanh của mình và các nhà cung cấp cho mình vào các rủi ro nghiêm trọng. Hơn nữa, hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền không chỉ gây ra những rủi ro lớn về an ninh DN mà còn đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của DN.
85% tiếp tục là con số vi phạm BQPM của Việt Nam trong năm 2009, giữ nguyên so với năm 2008 và 2007 mặc dù Chính phủ và các ban ngành liên quan đã có nhiều hành động rất tích cực trong suốt mấy năm qua. Khối Chính phủ và DN lớn đã giảm đáng kể, ý thức tuân thủ quyền SHTT phần mềm nghiêm túc nhưng tình trạng vi phạm tràn lan của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân và các đại lý Internet là nguyên gây nên tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam năm 2009 vẫn là 85%.
Ngành công nghệ phần mềm đang được Chính phủ ưu tiên phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Ngành phần mềm sẽ không thể phát triển mạnh tại một đất nước mà tỉ lệ vi phạm bản quyền cao. Không thu được lợi nhuận từ việc bán các phần mềm có bản quyền, các công ty phần mềm sẽ không thể tái đầu tư và nâng cao nguồn nhân lực để mở rộng và phát triển.