Vì sao Nước Thủ Dầu Một (TDM) muốn sở hữu 49% vốn Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW)?

Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (mã cổ phiếu TDM) vừa công bố kế hoạch chào mua công khai 6,82 triệu cổ phiếu CTW của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ.
Nước Thủ Dầu Một
M&A được xem là phương án mở rộng hữu hiệu nhất với đặc thù ngành cấp thoát nước Việt Nam.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (mã cổ phiếu TDM - sàn HoSE) vừa thông qua phương án chào mua công khai 6,82 triệu cổ phiếu CTW của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ (mã cổ phiếu CTW). Với giá giao dịch dự kiến là 30.400 đồng/cổ phiếu, ước tính tổng giá trị giao dịch khoảng 207 tỷ đồng.

Kế hoạch trên dự kiến được triển khai trong năm 2024 - 2025. Nếu thương vụ diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của Nước Thủ Dầu Một tại Cấp thoát nước Cần Thơ sẽ tăng từ 0% lên 24,36% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, hiện nhóm liên quan của Nước Thủ Dầu Một cũng đang sở hữu 24,64% vốn điều lệ của Cấp thoát nước Cần Thơ.

Như vậy, tính chung cả bên liên quan, tỷ lệ sở hữu của nhóm Nước Thủ Dầu Một tại Cấp thoát nước Cần Thơ dự kiến đạt 49% vốn điều lệ sau đợt chào mua công khai sắp tới.

Cấp thoát nước Cần Thơ tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý, cung cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Tính đến cuối năm 2023, công ty có hai cổ đông lớn là Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ sở hữu 51% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã cổ phiếu BWE) sở hữu 24,64% vốn điều lệ; và còn lại 24,36% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Giá cổ phiếu TDM Nước Thủ Dầu Một
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TDM của Nước Thủ Dầu Một từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Cơ Điện Lạnh (REE) thi công dự án điện gió 48 MW, muốn làm thêm 344 MW nữa tại Trà Vinh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ được xem là phương án tối ưu để Nước Thủ Dầu Một mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngành nước có đặc thù là mỗi tỉnh thành chỉ có một vài doanh nghiệp cấp, phân phối nước sạch và đa số đều chịu sự quản lý của UBND tỉnh, thành phố đó nên rất khó để các doanh nghiệp nước có thể mở rộng xây dựng nhà máy sang các địa phương khác.

Mặt khác, suất đầu tư của các nhà máy nước sạch tăng mạnh trong các năm gần đây và thời gian thu hồi vốn rất lâu cũng là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp tìm đến động lực tăng trưởng từ M&A.

Cụ thể, các doanh nghiệp xử lý và phân phối nước thường đầu tư nhà máy xử lý nước ban đầu với công suất lớn nhưng thường mất nhiều thời gian để vận hành tối đa công suất bằng cách liên tục phát triển mở rộng đường ống phân phối đến các hộ dân cư và các doanh nghiệp sản xuất. Trong thời gian đầu vận hành, các doanh nghiệp thường chịu chi phí khấu hao lớn, ảnh hưởng lớn biên lợi nhuận gộp.

Do đó, góp vốn vào một doanh nghiệp Nhà nước cấp và phân phối nước sạch sẽ dễ dàng, đồng thời, công ty đi M&A cũng sẽ được thừa hưởng mạng lưới cấp nước có sẵn tại địa phương.

Duy Quang