Nhóm nghiên cứu “FlyHeathly Research Team” của Hoa Kỳ đã quan sát hành vi của các hành khách và phi hành đoàn trên 10 chuyến bay dài từ 3,5 đến 5 tiếng để xác định những vị trí trên máy bay giúp hành khách giảm nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, bao gồm virus Corona (Covid-19).
Bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp chủ yếu lây truyền qua cách nào?
Trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ đa phần các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp sẽ lan truyền giữa người với người thông qua hai phương thức chính là “giọt bắn” và “khí dung – aerosol”.
Thứ nhất, giọt bắn gồm nước bọt, chất nhầy hoặc các chất dịch cơ thể người bệnh tiết ra. Do đó, khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi họ sẽ phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Nếu chúng ta vô tình tiếp xúc với những “giọt bắn” như đi ngang qua một người nhiễm bệnh đang ho, hắt hơi hoặc chạm phải những “giọt bắn” của người nhiễm bệnh thì chúng ta sẽ có xác suất bị nhiễm bệnh. Dịch virus Covid-19 được xác định chủ yếu lây lan theo con đường “giọt bắn”. Các “giọt bắn” không lan rộng trong không khi mà thay vào đó chúng thường rơi xuống khá gần nơi người nhiễm bệnh phát ra.
Thứ hai, khí dung – aerosol là phương pháp phổ biến trong điều trị các bệnh hô hấp tại các cơ sở điều trị y tế. Thuốc điều trị được khuếch tán dưới dạng sương mù để tác động lên hệ thống hô hấp của người bệnh. Những hạt sương nhỏ từ máy khí dung phát tán có thể bay trong không khí, những người xung quanh khi hít vào với nồng độ cao có thể bị lây nhiễm bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch virus Covid-19 được xác định có thể lây lan qua khí dung – phương pháp chữa bệnh, chứ không phải “bụi khí” và “không khí” như một số thông tin không chính xác.
Khả năng lây nhiễm bệnh khi đi máy bay và chỗ ngồi an toàn nhất
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp cận với người nhiễm bệnh là việc ngồi trong vòng 2 hàng ghế xung quanh người nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng ngồi yên tại chỗ trong các chuyến bay, đặc biệt là trong các chuyến bay dài. Việc các hành khách đi vào phòng vệ sinh, di chuyển để lấy đồ từ trên cabin đựng hành lý hay đơn giản là duỗi chân sẽ vô tình khiến virus gây bệnh lây lan ra khoảng cách rộng hơn 2 hàng ghế.
Theo kết luận của nhóm nghiên cứu “FlyHeathly Research Team”, vị trí cửa sổ là chỗ ngồi an toàn nhất nhờ ít phải tương tác với những hành khách khác nhất, nên khả năng lây bệnh cũng thấp hơn đáng kể.
Trung bình, người ngồi cạnh cửa sổ chỉ phải tương tác với các hành khách và phi hành đoàn khoảng 12 lần. Trong khi đó, con số này đối với các hành khách ngồi ghế giữa là 58 lần và lên tới 64 lần đối với người ngồi ghế cạnh lối đi.
Dữ liệu của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy việc bắt buộc phải ngồi cạnh lối đi hay ghế giữa cũng không thật sự “khủng khiếp”. Đa phần hành khách ngồi bất kỳ vị trí nào trên máy bay chỉ có xác suất nhiễm bệnh tương đối thấp khi sự tương tác giữa các hành khách trên cùng chuyến bay thường diễn ra tương đối ngắn. Thậm chí, xác suất nhiễm bệnh của những người ngồi trong vòng 2 hàng ghế xung quanh người nhiễm bệnh chỉ dưới 1%. Nhưng nếu những người ngồi trong vòng 1 hàng ghế xung quanh người nhiễm bệnh thì xác suất bị nhiễm bệnh lên tới trên 80%.
Phi hành đoàn cũng được xác định là những người chịu xác suất nhiễm bệnh cao nhất trên các chuyến bay do phải tiếp xúc với nhiều hành khách khác nhau và ở lại trên máy bay lâu hơn các hành khách. Nghiên cứu cho thấy nếu một thành viên phi hành đoàn bị nhiễm bệnh thì họ có khả năng khiến mầm bệnh lây nhiễm sang trung bình 4,6 hành khách.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng cách bảo vệ tốt nhất đối với mọi hành khách trước các bệnh truyền nhiễm, bao gồm dịch virus Covid-19 là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay sát khuẩn có nồng độ cồn trên 60%; hạn chế dùng tay chạm vào mặt, mắt và mũi; hãy giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác và tự cách ly khi cảm thấy không khoẻ.