Gần đây nhất, một doanh nhân người Anh đã khiến ít nhất 11 người khác nhiễm dịch virus Covid-19 và được giới khoa học xác định là trường hợp “siêu lây nhiễm”. Tại Việt Nam, bệnh nhân N.T.D tại Vĩnh Phúc đã lây nhiễm virus Covid-19 đến ít nhất 5 người, cũng có thể được xác định là một trường hợp “siêu lây nhiễm”.
Thế nào là “Người siêu lây nhiễm”?
Hiện chưa có bất kỳ định nghĩa chính xác nào cho cụm từ “Người siêu lây nhiễm” và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không sử dụng chính thức cụm từ “Người siêu lây nhiễm” đối với các bệnh nhân.
Theo chuyên gia y tế cấp cao Amesh Adalja từ Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins và là thành viên của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, “người siêu lây nhiễm” đơn giản là người khiến việc lan truyền virus dễ dàng hơn so với người bình thường.
Việc xác định thế nào là “siêu lây nhiễm” tuỳ thuộc vào từng chủng virus, bệnh và tỷ lệ lây nhiễm (R0 – transmission rate). Ví dụ, trong đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003, các nhà khoa học xác định hệ số R0 là 3 (con số gần chính xác) hay cứ một người nhiễm sẽ có khả năng lây nhiễm trực tiếp đến 3 người khác và một người được coi là “người siêu lây nhiễm” đối với dịch SARS là có khả năng lây nhiễm trực tiếp đến hơn 10 người. Với dịch Covid-19 (tên chính thức của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona), các nhà khoa học hiện tin rằng hệ số R0 sẽ dao động từ 1,5 đến 3,5 và vẫn chưa xác định được ngưỡng “siêu lây nhiễm” của dịch bệnh này.
Vì sao một bệnh nhân lại trở thành “người siêu lây nhiễm”?
Hiện tượng “siêu lây nhiễm” hiện vẫn là một thách thức với giới y khoa khi chưa thể xác định chính xác các yếu tố biến một người thành “siêu lây nhiễm”. Theo số liệu thu thập trong 20 năm qua, cho thấy tỷ lệ 20/80 hay cứ khoảng 1 người trong số 5 người chúng ta sẽ có khả năng chịu trách nhiệm cho đến 80% sự lây nhiễm dịch bệnh và người này sẽ được xác định là “người siêu lây nhiễm”.
Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Mark Woolhouse tại Đại học Edinburgh (Scotland) cho biết hiện có 2 giả thuyết có khả năng cao về hiện tượng “siêu lây nhiễm”. Đối với giải thuyết thứ nhất, “người siêu lây nhiễm” đơn giản là bệnh nhân có nồng độ virus cao hơn những người khác, hệ miễn dịch hoạt động thiếu hiệu quả hơn khiến bệnh nhân này bị ốm nặng hơn và trở thành rủi ro y tế cao đến những người xung quanh, đặc biệt là khi bệnh nhân này được điều trị tại bệnh viện.
Theo các ghi nhận y khoa, trong đợt dịch SARS bùng phát tại Bắc Kinh (Trung Quốc), một người đàn ông 53 tuổi vốn mắc nhiều bệnh trước đó, gồm bệnh tim mạch vành, tiểu đường loại II và suy thận mãn tính khi đến điều trị tại bệnh viện Pingjin Hospital đã trực tiếp lây nhiễm virus SARS cho đến 33 người khác tại bệnh viện này, trước khi được chuyển đến các bệnh viện khác và tiếp tục lây nhiễm bệnh cho nhiều người khác.
Đối với giả thuyết thứ hai, hệ miễn dịch của người “siêu lây nhiễm” hoạt động quá hiệu quả làm cơ thể không xuất hiện triệu chứng của dịch bệnh, khiến người này không đề phòng và vô tình truyền bệnh cho người xung quanh. Bên cạnh đó, các yếu tố đặc thù khác như tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên xuất hiện tại những chỗ đông người hay trên các chuyến bay dài do đặc thù công việc cũng khiến việc “siêu lây nhiễm” dễ dàng xảy ra.
Những trường hợp siêu lây nhiễm trong lịch sử dịch bệnh
“Người siêu lây nhiễm” nổi tiếng nhất trong lịch sử tính đến thời điểm hiện tại có thể là Mary Mallon (1869 – 1938) – người đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mang ký sinh thương hàn nhưng bản thân không việc gì. Công việc chính của Mary Mallon là đầu bếp và thông qua các món ăn, Mary Mallon đã vô tình khiến 53 người nhiễm bệnh, 3 trong số này thiệt mạng. Mary Mallon từ chối đi khám cũng như từ chối bỏ nghề nấu ăn vì nghĩ bị mọi người vu cáo. Điều này đã buộc chính quyền Hoa Kỳ giam giữ cách ly bà vĩnh viễn tại một hòn đảo biệt lập cho đến cuối đời.
Trong đại dịch Ebola bùng phát tại khu vực Tây Phi hồi năm 2014, 2 người siêu lây nhiễm tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến 50 người khác mắc bệnh. Đặc biệt, 13 người tại Sierra Leona đã bị nhiễm virus Ebola khi đến tham dự đám tang của một thầy thuốc dân gian vốn chết vì nhiễm virus Ebola. Những người này sau đó đã lây bệnh cho đến hơn 300 người khác. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng 61% số ca nhiễm Ebola tại đây là do một nhóm nhỏ khoảng 3% bệnh nhân ban đầu gây ra.
Mới đây hơn, một học sinh tại trường trung học tại Phần Lan đã lây nhiễm bệnh sởi cho 22 người khác, dù 8 trong số đó đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Vậy “người siêu lây nhiễm” có đáng sợ?
Giáo sư Mark Woolhouse khẳng định những “người siêu lây nhiễm” gần như không thể tự nhận thức được tình trạng bệnh lý của họ. Với tất cả những gì y khoa hiện biết thì “người siêu lây nhiễm” không làm gì sai cả và không có bất kỳ lý do gì để quy kết việc lây nhiễm dịch bệnh đến “người siêu lây nhiễm”, theo nhà nghiên cứu lâm sàng Nathalie MacDermott thuộc Đại học London (Anh). Chuyên gia y tế cấp cao Amesh Adalja cũng nhận định sự kiện “người siêu lây nhiễm” không xuất hiện thường xuyên trong các dịch bệnh.
Theo ông Amesh Adalja cách phòng tránh dịch bệnh tốt nhất là tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, gồm thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn có nồng độ cồn ít nhất từ 60% trở lên; hạn chế chạm tay vào mặt; tránh tiếp xúc gần với những người ốm; tự cách ly ở nhà nếu như bạn cảm thấy không khoẻ và cần che miệng khi bạn ho hoặc hắt xì hơi.