Nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt 2021”, Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” đề cập nhiều nội dung thời sự như: Đại dịch đã thay đổi thói quen thanh toán như thế nào, cả ở phía người tiêu dùng lẫn nhà bán lẻ? Doanh nghiệp thích ứng như thế nào? Truyền thông giáo dục tài chính và thanh toán không tiền mặt quan trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Trong phiên thảo luận về chủ đề “Doanh nghiệp thay đổi như thế nào để thích ứng với thói quen tiêu dùng của người dân”, nói về nhu cầu mở rộng tập khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng dưới 15 tuổi, bà Trần Thu Hương chia sẻ các ngân hàng, đặc biệt là VIB có nhiều giải pháp và công nghệ để có thể đưa lứa tuổi từ 10-12 tuổi tham gia môi trường tài chính, với sự giám sát “real-time” của cha mẹ.
Ngân hàng có thể giúp gia đình giới hạn số tiền tối đa chi tiêu trong ngày, và danh mục hàng hóa các bạn học sinh có thể được giao dịch, như sách vở, ăn uống, dịch vụ học tập,… Từ lứa tuổi này, các bạn nhỏ đã được học về các quy tắc cơ bản trong cuộc sống và đa phần đã tự chọn từ đồ ăn sáng đến những đồ dùng học tập, và đồ vật thông dụng từ khoản tiền cha mẹ chu cấp. Thay vì dùng tiền mặt, với khoản tiền này, các bạn có thể sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ và bắt đầu làm quen với thanh toán không tiền mặt.
Với lợi thế sinh ra và lớn lên trong môi trường số, các bạn nhỏ sẽ rất thuận lợi khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, góp phần giúp các dịch vụ ngân hàng nhanh chóng trở nên thân thiết và gắn kết với các hoạt động thường nhật của gia đình.
"Những ngọn lửa lớn đều bắt nguồn từ đốm lửa nhỏ. Từ những nỗ lực của ngành ngân hàng, thanh toán không tiền mặt sẽ lan toả đến mọi gia đình. Với định hướng của NHNN và sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ các ngân hàng, chúng tôi tin rằng các dịch vụ ngân hàng sẽ được xã hội hoá và trở nên phổ biến, đưa Việt Nam tiến nhanh trên hành trình trở thành quốc gia không tiền mặt", bà Hương nói.
Phiên thảo luận cũng được diễn ra sôi nổi xoay quanh vấn đề về không chỉ mở rộng trải nghiệm tài chính và trải nghiệm thanh toán không tiền mặt cho lứa tuổi thiếu niên, mà còn đi vào các giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động này cho sinh viên. Đồng thời, một loạt các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai đồng bộ từ nhà trường tới các ngân hàng thành viên.
Để mở rộng tập khách hàng này, bên cạnh việc đưa giáo dục tài chính vào các trường học, phía ngân hàng có thể đẩy mạnh phát triển các gói sản phẩm thanh toán không tiền mặt cho gia đình và có tính đến sự giao dịch của các thành viên nhỏ trong gia đình.
Tiên phong trong việc mở rộng đối tượng trẻ nhỏ vào việc xã hội hóa tài chính, xã hội hóa thanh toán không tiền mặt, VIB vừa kết hợp với Visa cho ra mắt dòng thẻ Family Link - cho phép cả nhà có thể thanh toán không tiền mặt qua tài khoản, qua thẻ. Thông qua VIB Family Link, các bản nhỏ trong gia đình có được tài khoản tiết kiệm đầu tiên trong cuộc đời từ chi tiêu của gia đình, giúp trẻ làm quen dần với các phương tiện thanh toán của ngân hàng và các khái niệm cơ bản về tài chính.
Cũng trong Hội thảo, VIB cùng các ngân hàng và doanh nghiệp đã nhận Kỷ niệm chương cho sự đồng hành cùng Ngày không tiền mặt. Là một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu và tiên phong số hóa, VIB tích cực đồng hành trong các nỗ lực vì một xã hội không tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, bao gồm các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng hướng tới mục tiêu chung - Tiến đến quốc gia không tiền mặt.