Là một trong những tỉnh có nền công nghiệp tương đối phát triển trong khu vực miền núi và trung du phía Bắc, thời gian qua, Công nghiệp Phú Thọ có nhip độ tăng trưởng liên tục khá (bình quân giai đoạn 1997 - 1999 là 14,6%, sang giai đoạn 2001-2003 đã tăng lên 15,9%), cơ cấu GDP công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực (từ 36,5% năm 2000 tăng lên 38,1% năm 2002 và 38,7% năm 2003) tạo bước đi vững chắc, phát huy và khai thác tốt những lợi thế sẵn có về nguồn lực, tài nguyên, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Sự tự tin, năng động của mỗi doanh nghiệp và những giải pháp định hướng của trung ương và địa phương trong tiến trình hội nhập đang hé mở cho Công nghiệp Phú Thọ những tín hiệu vui trước thềm xuân mới.

Tự tin

Từ lâu, nhiều sản phẩm công nghiệp của Phú Thọ đã trở nên thân quen, nổi tiếng với người tiêu dùng trên khắp đất nước. Nói đến Bãi Bằng là người ta nghĩ đến một tổ hợp công nghiệp sản xuất lớn nhất Việt Nam, với chất lượng luôn dẫn đầu toàn Ngành và sản lượng chiếm 40% tổng lượng giấy hàng năm của cả nước. Bãi Bằng còn là đơn vị tiêu biểu cho tinh thần đổi mới - năng động - sáng tạo, hợp tác hội nhập và phát triển. Sản phẩm của Giấy Bãi Bằng với nhiều chủng loại, mẫu mã và chất lượng đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập khu vực, quốc tế của ngành Giấy và nền Công nghiệp nước nhà. Nằm trong trục tam giác công nghiệp Việt Trì - Bãi Bằng - Lâm Thao, những sản phẩm mang nhãn hiệu “ba cành cọ” xanh của Công ty Super phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, đơn vị kinh tế tiêu biểu, điển hình tiên tiến của ngành Hoá  chất Việt Nam đã trở thành “bạn của nhà nông” từ bao năm nay. Qua hơn 40 năm tồn tại và phát triển, với nhiều lần cải tạo, mở rộng, Công ty đã cung cấp gần 10 triệu tấn phân chứa lân các loại cho đồng ruộng, cùng hàng chục sản phẩm hoá chất quan trọng khác, phục vụ đắc lực nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc. Nhiều sản phẩm truyền thống  khác của ngành Hoá chất Phú Thọ, sau bao thăng trầm đã trở thành bạn hàng tin cẩn của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh, như sản phẩm xút thương phẩm của Công ty Hoá chất Việt Trì, ắc quy thành phẩm của Công ty Pin - ắc quy Vĩnh Phú... Một số sản phẩm luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao qua các năm như bia, rượu của Công ty Rượu Đồng Xuân, mì chính của Công ty MiWon, gạch  Ceramic của Công ty Bê tông và Vật liệu xây dựng, thiết bị sứ vệ sinh của Công ty Sứ Việt Trì, sứ Thanh Hà, thảm trải nền của Công ty Plastics... là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam và chất lượng quốc tế, đã không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước, mà còn có năng lực cạnh tranh xuất khẩu ra nước ngoài.

Với lợi thế nguồn lao động dồi dào và kinh nghiệm trên 20 năm, ngành công nghiệp Dệt - May của Tỉnh đang được quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi hình thức quản lý, phát triển mạnh mẽ, với giá trị xuất khẩu luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Tỉnh và trở thành một trong những trung tâm dệt may lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu khách hàng trong khu  vực và thế giới... Một số sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, ổn định như tinh bột sắn, dưa chuột Nhật Bản, thịt lợn xuất khẩu... phần nào nâng cao sự tự tin của doanh nghiệp trước cơ hội và thách thức của tiến trình hội nhập.

Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp đã đạt giải Quả cầu Vàng, Huy chương Vàng, Bông lúa Vàng, Hàng Việt Nam chất lượng cao... tại các hội chợ triển lãm, những sản phẩm có nhãn hiệu riêng, được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền như Công ty Giấy Bãi Bằng và Hoá chất Lâm Thao, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng... Nhiều đơn vị đã áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hoặc áp dụng hệ thống quản lý theo 7 tiêu chí của giải thưởng chất lượng Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Đã có trên 10 doanh nghiệp (cả trung ương và địa phương) được cấp các chứng chỉ ISO 9001:2000, ISO: 14000, hoặc công nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, TQM... Đây chính là chìa khoá, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, là những “giấy thông hành” cho sản phẩm công nghiệp của Phú Thọ tham gia hội nhập thị trường khu vực và thế giới.

Năng động

Từ 1/7/2003 thực hiện lộ trình gia nhập AFTA, 23/29 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Phú Thọ đã phải chiụ ảnh  hưởng trực tiếp. Lường trước những khó khăn do ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế quan, mất đi sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp đã nhanh chóng “chuyển mình”, tăng cường cạnh tranh bằng nhiều biện pháp như: Đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống các nhà máy chế biến; tăng năng lực sản xuất - chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; củng cố và chiếm lĩnh thị trường nội địa, nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng với phương châm là không để thua trên “sân nhà” trước khi hàng ngoại nhập tràn vào, đồng thời từng bước vươn ra thị trường thế giới. 6 tháng cuối năm 2003, Công ty Giấy Bãi Bằng tạm ngừng sản xuất để đầu tư mở rộng Nhà máy giai đoạn I, nâng năng lực sản xuất lên 100.000 tấn giấy/năm, chuẩn bị các bước tiến hành mở rộng Nhà máy giai đoạn II, nâng tổng công suất lên 250.000 tấn bột giấy và hơn 100.000 tấn giấy, hạn chế việc nhập khẩu bột giấy như hiện nay; thực hiện liên kết, đầu tư trực tiếp cho nhân dân trồng rừng nguyên liệu, đảm bảo ổn định số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Công ty Super phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, ngoài việc năng động sáng tạo trong lao động sản xuất - kinh doanh... còn tăng cường đầu tư công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng mới Nhà máy sản xuất phân NPK và kho chứa tại Hải Dương, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn xa, chuẩn bị cho xuất khẩu. Công ty Que hàn Hữu nghị và Xây lắp cơ khí đã chuyển hướng thị trường, xây dựng và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất que hàn điện tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương)... Muốn cạnh tranh thì phải hạ giá thành, đa dạng hoá sản phẩm, muốn hạ giá thành sản phẩm thì không còn cách nào khác là ngoài con đường đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nhân lực, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm và giảm chi phí trong quản lý và chi phí sản xuất. ý thức được vấn đề sống còn này, các công ty như: Sứ Việt Trì, Gốm sứ Thanh Hà, Công ty Bê tông và Vật liệu xây dựng, Dệt Nghĩa Hưng, Dệt Trí Đức, May Sông Hồng... đều tăng cường đầu tư công nghệ, tăng công suất dây chuyền sản xuất, đa dạng hoá mặt hàng, mẫu mã sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đã đăng ký, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Công ty Rượu Đồng Xuân liên kết với Công ty Bia Sài Gòn phát triển thêm mặt hàng và mở rộng thị trường vào phía Nam; đầu tư nâng cấp thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, để nâng cao chất lượng cồn tinh chế phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; nghiên cứu thử nghiệm các loại hương hoa quả, các loại rượu mới, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng... Công ty Đường - Rượu - Bia Việt Trì đã dừng sản xuất dây chuyền đường hiệu quả thấp và đầu tư chuyên sâu, tăng công suất dây chuyền bia Viger - là sản phẩm đang có uy tín  trên thị trường. Công ty TNHH Tân Phong tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu chè bằng đầu tư sản xuất mặt hàng độc đáo, có khả năng cạnh tranh cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, như xây dựng nhà máy sản xuất tinh chất chè tại khu công nghiệp Đồng Lạng...

Hội nhập

Với tinh thần chủ động hội nhập và chủ động thâm nhập để mở rộng thị trường quốc tế, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã xúc tiến được nhiều công việc và thu được những kết quả bước đầu. Hành lang pháp lý cho công tác này được tăng cường thiết lập trên cơ sở Nghị quyết 04/NQ-TƯ và phát triển kinh tế đối ngoại thời kỳ 2001-2005 của Tỉnh  uỷ Phú Thọ và các cơ chế chính sách, chương trình hành động cụ thể của UBND Tỉnh và các ban ngành hữu quan, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn hơn... Cùng với việc tăng cường kinh tế đối ngoại, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực, huy động mọi tiềm năng nguồn lực của  các thành phần kinh tế, UBND Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2002; xây dựng kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; phê duyệt và triển khai đề án “áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp chuẩn bị hội nhập AFTA”. Sở Công nghiệp Phú Thọ đã xây dựng chi tiết Quy hoạch phát triển Công nghiệp Phú Thọ đến năm 2010... Tất cả những chương trình này đã tạo ra động lực để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng, tạo ra những sản phẩm có tính năng cạnh tranh cao, hình thành nhiều nhóm ngành, nhóm sản phẩm công nghiệp có lợi thế, khả năng cạnh tranh và ưu tiên đầu tư phát triển. Ngoài ra, các vấn đề về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư, nhằm tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao sức  cạnh tranh của sản phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng và phát triển thị trường... cũng được Tỉnh, Ngành quan tâm đầu tư, chú trọng. Đây chính là những thuận lợi có định hướng rất quan trọng để các doanh nghiệp tự xây dựng chiến lược đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trụ vững và cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

            Năm 2003, năm thứ ba của kế hoạch 5 năm 2001-2005, năm khởi đầu bước vào hội nhập kinh tế quốc tế đã hé mở ra cho bức tranh Công nghiệp Phú Thọ thêm sắc màu tươi tắn. Từ trung ương đến Tỉnh, Ngành đã có nhiều biện pháp điều hành nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, chủ động xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển Ngành, vùng lãnh thổ, ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển và thu hút vốn đầu tư... Luật Doanh nghiệp tiếp tục được phát huy tác dụng, đã tạo môi trường cho việc hình thành thêm nhiều doanh nghiệp, tăng thêm năng lực sản xuất cho các ngành nghề. Năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp của Phú Thọ đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2002. Đáng mừng là nội lực của Tỉnh được bộc lộ: Công nghiệp địa phương giữ vững được nhịp độ, tăng 12%; công nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhanh (tăng 21%) công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt 141% so kế hoạch và tăng 38% so cùng kỳ. Các ngành, các sản phẩm có lợi thế của Tỉnh tiếp tục phát triển khá, như công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp dệt may, hoá chất - phân bón, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng... Các sản phẩm mới đã có thị trường, và sản xuất tương đối ổn định. Kim ngạch xuất khẩu của ngành Công nghiệp tăng nhanh và sản xuất tương đối ổn định. Kim ngạch xuất khẩu của ngành Công nghiệp tăng nhanh và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, có khả năng xuất khẩu và tham gia xuất khẩu, đẩy lùi các sản phẩm cùng loại nhập khẩu vào nước ta, như: giấy bìa các loại, sản phẩm may mặc, giầy thể thao, bia các loại, mì chính, phân bón, gạch ceramic, xi măng, que hàn, xút thương phẩm... Thành phần kinh tế trong công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tăng lên, giảm số doanh nghiệp thua lỗ. Tất cả các doanh nghiệp sau chuyển đổi đều làm ăn có hiệu quả và thực hiện được nghĩa vụ với Nhà nước. Sự tham gia của các thành phần kinh tế trong sản xuất công nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp có sự thay đổi,  làm cho sản phẩm có tính đa dạng cả về quy mô, trình độ công nghệ, chủng loại, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng; một số ngành nghề, làng nghề được khôi phục, sản phẩm đã có thị trường, góp phần cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển bền vững.

 Năm 2003 đã kết thúc, nhưng lại mở ra cho Công nghiệp Phú Thọ một giai đoạn mới, với thời cơ và thách thức mới. Ngoài các doanh nghiệp công nghiệp trong nước hiện có, 74 dự án và tiểu dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD (riêng năm 2003 đã cấp phép cho 20 dự án với vốn đăng ký 125,1 triệu USD, tăng 2,69 lần so với năm 2002) đã tạo ra 22,1% giá trị sản lượng công nghiệp, 64,9% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 8,5% GDP cho Tỉnh, thu hút gần 6.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp trong ngành Xây dựng, Thương mại và Dịch vụ có liên quan. Các doanh nghiệp ngừng sản xuất năm 2003 sẽ hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài đã hoàn thành giai đoạn đầu tư để đi vào sản xuất như: Giấy Bãi Bằng, Nhà máy cán thép Sông Hồng... Các Khu công nghiệp mới tiếp tục được xây dựng, thu hút vốn  đầu tư như: KCN Thụy Vân (mở rộng), KCN Bạch Hạc, cụm công nghiệp làng nghề Đồng Lạng, Rừng Xanh, Hồng Đà - Hưng Hoá - Tam Nông, Thanh Ba, Lâm Thao. Sự xuất hiện thêm 2 đối tác có nhiều tiềm năng là Trung Quốc và Đài Loan, bên cạnh đối tác truyền thống Hàn Quốc trong hoạt động kinh tế đối  ngoại... là những tín hiệu vui, tạo cho bức tranh Công nghiệp Phú Thọ lan tỏa nhiều mảng sáng hơn nữa. Ngoài ra, các mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tiếp tục được tăng cường. Các yếu tố thuận lợi như nguồn vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ sản phẩm... tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, sẽ là động lực thúc đẩy nền sản xuất  Công nghiệp Phú Thọ vững bước, chủ động tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, từng bước đưa Công nghiệp Phú Thọ lên một tầm cao mới trong những năm tới.

 

  • Tags: