Đọc sách: Cơ sở kinh tế - xã hội và một số vấn đề giáo dục đại học và chuyên nghiệp của Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vừa cho phát hành cuốn sách Cơ sở kinh tế - xã hội và một số vấn đề giáo dục đại học và chuyên nghiệp của Việt Nam đầu thế kỷ XXI của tác giả Nguyễn Quang Huỳnh. Tác giả đã trình bày quan điểm của giáo dục thế giới đi vào thế kỷ XXI dựa trên bốn cột trụ: học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình. Hiện nay, trên sách báo nhiều nước đã xuất hiện khái niệm người công dân toàn cầu, điều đó có nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về mục tiêu, chiến lược của hoạt động giáo dục, một hoạt động - xét cho đến cùng - dù ở một mảnh đất nào, cũng sẽ chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự hình thành tư cách và phẩm chất người công dân trên mảnh đất đó.

Trong chương 1, tác giả đã giới thiệu đại cương về bức tranh kinh tế - khoa học - công nghệ ở thế kỷ XXI, gồm những vấn đề: Công nghệ nano, kỹ thuật cảm biến, các vật liệu thông minh, kỹ thuật photon và quang điện tử, rođopsin vi khuẩn, vật liệu mô phỏng thiên nhiên… Trên cơ sở văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, tác giả trình bày phần Định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010 và các chỉ tiêu kinh tế của các ngành công nghiệp, nông lâm nghiệp, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2005.

Tiếp theo là vấn đề khá nhạy cảm: Kinh tế Việt Nam đi vào thế kỷ XXI và tiến tới nền kinh tế tri thức (KTTT) bằng cách nào, gồm các phần định nghĩa khái niệm KTTT, nhận dạng nền KTTT, nước ta tiến tới nền KTTT bằng cách nào. Tác giả đã tổng hợp nhiều tài liệu về vấn đề này.

Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, tác giả mới trình bày Xu thế của nền giáo dục nước ta đầu thế kỷ XXI (chương 2). Toàn bộ kế hoạch phát triển giáo dục nhằm thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của hệ thống giáo dục quốc dân là: xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tạo ra một yếu tố quyết định trong nội lực của đất nước, đủ trí lực và tâm hồn, có tinh thần tự lực tự cường, bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh, một xã hội công bằng và văn minh, thực hiện tốt đường lối mở cửa, hội nhập, hợp tác theo tinh thần của thời đại văn hóa hòa bình, văn hóa bao dung.

Tiếp theo, tác giả giới thiệu các bậc giáo dục từ mầm non đến THPT và đề cập đến các môi quan hệ mà UNESCO đã đưa ra khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI. Đó là:

- Quan hệ giữa toàn cầu và địa phương.

- Quan hệ giữa toàn cầu và cá thể.

- Quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.

- Quan hệ giữa lâu dài và trước mắt.

- Quan hệ giữa cạnh tranh và bình đẳng cơ hội.

- Quan hệ giữa khối lượng tri thức ngày càng tăng quá nhanh với khả năng tiếp thu của con người.

- Quan hệ giữa tinh thần và vật chất: vấn đề giáo dục lý tưởng và các giá trị đạo đức.

Tác giả đã trình bày tóm tắt mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2010 và dự báo chiến lược phát triển trung học chuyên nghiệp (THCN) và dạy nghề (DN) trong những năm tới; cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, dựa trên các nghị định, quyết định của Chính phủ và các cơ quan chức năng Nhà nước.

Trong chương 3: giáo dục đại học (GDĐH) và chuyên nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tác giả trình bày xu thế của thế giới với vấn đề GDĐH, đặc biệt phân tích các tính chất trường đại học mới so với nhà trường hiện nay, nghịch lý của các trường đại học ở thế kỷ XXI; đồng thời nêu được các vấn đề phát triển GDĐH của nước ta trong những năm tới.

Tiếp theo, tác giả trình bày sự phát triển nguồn nhân lực, kết cấu đội ngũ cán bộ và người lao động chuyên nghiệp, nêu lên những con số cụ thể về các loại cán bộ có trình độ tiến sĩ đến công nhân kỹ thuật, dựa trên những tài liệu tham khảo tin cậy.

Phần cuối của chương này, tác giả đề cập đến vấn đề bồi dưỡng và sử dụng nhân tài dựa trên quan điểm hiển tài là nguyên khí quốc gia. Tác giả đã dẫn chứng cha ông ta đã tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài như thế nào, đã nêu các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đãi ngộ nhân tài, thực trạng về vấn đề nhân tài của ta hiện nay.

Tác giả đã đề cập đến một số nét về đội ngũ học sinh, sinh viên (HS, SV) giỏi qua các kỳ thi olympic quốc tế về các môn toán, tin, lý, hóa, sinh mà HS, SV ta đã tham gia. Đồng thời, tác giả cũng nêu được hiện trạng về việc sử dụng - đãi ngộ nhân tài của nước ta hiện nay qua các chính sách của một vài địa phương.

Phần phụ lục, tác giả nên một số số liệu về các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, bao gồm: số lượng các trường, số HS, SV, cán bộ giảng dạy, giáo viên. Phần cuối cùng là một số thuật ngữ Anh-Việt về giáo dục - đào tạo.

Sách đã tổng hợp được nhiều vấn đề về giáo dục - đào tạo của Việt Nam trong những đầu của thế kỷ XXI, xu thế của giáo dục thế giới về lĩnh vực này, dựa trên khá nhiều tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế tin cậy.

Sách rất bổ ích cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia quản lý giáo dục ở các cơ quan khoa giáo, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Bộ có các trường ĐH, CĐ, THCN và DN và các cán bộ lãnh đạo và quản lý, các cán bộ giảng dạy, giáo viên các trường ĐH, CĐ, THCN và DN .

Sách do TS. Đào Anh San (ĐHQG HN) thẩm định.

Sách khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 152 trang và 98 loại tài liệu tham khảo, giá 14.800 đ/cuốn./.

  • Tags: