Thương hiệu ngành Giầy Bình Dương

Tỉnh Bình Dương hiện có 105 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày. 8 tháng đầu năm 2003, nếu như kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh đạt 891,95 triệu USD, thì riêng ngành Giầy đã chiếm 187,9 triệu USD

* Quy mô lớn, nhưng mới dừng ở việc gia công.

Đa số các doanh nghiệp ngành Giầy đều có quy mô sản xuất khá lớn. Trong số 105 doanh nghiệp thì 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 127 triệu USD. Doanh nghiệp thành lập lâu nhất là 10 năm, ít nhất là 1-2 năm. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn: Liên doanh Chí Hùng, Hài Mỹ – Sài Gòn, King Maker (từ 12 đến 25 triệu USD). Đa số các doanh nghiệp đều dừng lại ở chỗ gia công cho các hãng giày nổi tiếng trên thế giới, như: Adidas, Nike, Puma, Fila... Cũng có nghĩa là cả đầu vào (máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu (NVL) và cả đầu tư (thị trường tiêu thụ) đều do đối tác lo. Doanh nghiệp chỉ lo đầu tư nhà xưởng, tuyển công nhân và điều hành sản xuất.

Trình độ thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp ra sao ? Ông Phạm Văn Hiền, Phó Trưởng ban quản lý các KCN cho biết: “Do yêu cầu chất lượng hàng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, hầu hết thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp ngành Giầy đều đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Doanh nghiệp đầu tư càng về sau càng có trình độ hiện đại hơn. Và để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp đi trước cũng tăng cường đầu tư thay thế dần những máy móc, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu...”.

Công ty Duy Hưng (KCN Sóng Thần) có quy mô 10 chuyền, 4.300 công nhân, sản lượng 3,5-4 triệu đôi giầy/năm đã đi vào hoạt động 8 năm. Ông Duy Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi chỉ gia công cho đối tác, thị trường rất ổn định, nên không gặp rủi ro kiểu lời ăn lỗ chịu như các doanh nghiệp tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường. Nhưng do gia công, chúng tôi lệ thuộc vào đối tác rất nhiều: mẫu mã là độc quyền, yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và cả thời gian ngày càng khắt khe. Đôi khi, chúng tôi thấy buồn khi mình không có quyền chủ động, không có được thương hiệu trên thương trường. Chúng tôi cũng đang phấn đấu để từng bước tự đầu tư mở rộng sản xuất và tìm kiếm thị trường”.

* Để ngành Giầy có thể đứng vững bằng năng lực của chính mình.

Đặc tính của ngành Giầy là yếu tố thời gian, bảo đảm thời trang, thời vụ. Tốc độ làm việc ở các doanh nghiệp Giầy rất khẩn trương, tăng ca thường xuyên. Mà mặt bằng lương ở các công ty Giầy lại khá thấp, không đáp ứng được nhu cầu người lao động, nên không thực sự hấp dẫn người lao động. Ông Khương Đình Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành, ông Trần Văn Vinh, Giám đốc Công ty Sao Việt... than thở: “Lao động ngành Giầy luôn biến động, “nhảy như tôm”. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn đi “chiêu dụ” công nhân của chúng tôi sang các công ty ấy làm để khỏi mất chi phí đào tạo. Công nhân lại không đếm xỉa gì đến pháp luật lao động, không báo trước cho chúng tôi ít nhất là 30 ngày, cũng không bồi thường chi phí đào tạo cho chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không thể kiện được công nhân, cũng như công ty chiêu dụ công nhân của mình”. Cũng chính vì sự biến động lao động đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của ngành Giầy. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giầy Liên Phát rất ái ngại: “Công ty tôi dự kiến mở rộng thêm 2 dây chuyền sản xuất nữa, nhưng lại ngại không có lao động. Ngay cả lúc này số lao động (hơn 2.000) của chúng tôi còn biến động liên tục, nói gì đến tăng thêm lao động”.

Còn về việc vươn lên thoát khỏi cảnh làm gia công lệ thuộc đối tác, một số giám đốc cho biết: Trước mắt, chúng tôi lo ổn định sản xuất, thu hồi vốn. Chúng tôi cũng đang vay vốn theo hình thức trả chậm để đầu tư một số máy móc, mong dần dần giành quyền chủ động trong sản xuất – kinh doanh.

Do xuất khẩu 100% sang thị trường châu Âu, ngành Giầy Bình Dương không bị ảnh hưởng gì khi Việt Nam hội nhập AFTA, song đây cũng là dịp để ngành Giầy tự nhìn lại mình và tự cảnh tỉnh: Có đến hàng trăm doanh nghiệp giầy trong Tỉnh, nhưng có mấy thương hiệu Giầy Bình Dương có danh trên trường quốc tế./.

  • Tags: