Việc cấp bách nhất sau các FTA

Chúng ta đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các đối tác lón ở khắp các châu lục. Lợi ích thương mại là rất lớn, nhưng có một vấn đề cấp bách nhất cần làm làm ngay để khai thác hiệu quả các FTA.

 

Phòng vệ thương mại
Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ là vấn đề cấp bách

Nâng cao hiệu quả hội nhập

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", trong bối cảnh Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ 14/1 năm nay; đồng thời Việt Nam và EU mới ký kết EVFTA vào 30/6 vừa qua.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Giải pháp căn bản

Giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Đề án sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đề án cũng giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững; thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Vũ Thư