Nâng cao năng lực tư vấn thiết kế
Trong thời gian qua, mặc dù ngành Cơ khí đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên tiềm năng chế tạo cơ khí trong nước vẫn chưa được khai thác hết. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa làm chủ được phần tư vấn thiết kế. Để khắc phục hạn chế này, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tập trung vào thiết kế chế tạo dây chuyền thiết bị đồng bộ cho một số ngành được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2005-2015. Để có thể có được thiết kế tiên tiến nhất, Viện đã nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của các nhà sản xuất nước ngoài và đã thu được một số thành công nhất định.
Trong lĩnh vực cơ khí thuỷ công, Viện đã nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của Ucraina thiết kế thiết bị cơ khí thuỷ công cho hàng chục công trình thuỷ điện. Nhờ làm chủ trong lĩnh vực thiết kế, các tổng công ty MIE, VINAINCON, COMA, LILAMA đã hoàn toàn chế tạo và cung cấp các thiết bị có giá trị lớn. Trong lĩnh vực xi măng, Viện đã cùng Lilama nghiên cứu nhận chuyển giao công nghệ thiết kế chế tạo hầu hết các thiết bị phức tạp của dây chuyền xi măng lò quay như: lò nung Clinker, máy nghiền, lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi, hệ thống máy đóng bao, hệ thống tự động hoá, thiết bị vận chuyển, quạt gió các loại. Trong lĩnh vực nhiệt điện, Viện cùng Lilama xây dựng chương trình nội địa hoá các nhà máy nhiệt điện, dự kiến đến năm 2010, khoảng 50% giá trị các thiết bị của nhà máy nhiệt điện sẽ được chế tạo trong nước. Trong lĩnh vực khai thác và chế biến ô xýt nhôm, để có được bản thiết kế dây chuyền công nghệ chế biến, việc đàm phán để mua thiết kế hầu như không khả thi, vì các nhà cung cấp nước ngoài không muốn bán công nghệ hoặc giá bán lại quá cao. Vì vậy, Viện chủ trương tự nghiên cứu kết hợp với thuê chuyên gia nước ngoài theo các hạng mục công việc cụ thể, nhằm làm chủ về thiết kế với giá thành thấp. Đầu năm 2007, Viện đã ký với công ty HATCH, một công ty lớn về tư vấn thiết kế cho ngành nhôm của Australia để thành lập một trung tâm thiết kế tại Việt Nam. Theo thoả thuận các chuyên gia của Australia sẽ sang làm việc tại Việt Nam, đồng thời các chuyên gia của Viện sẽ sang dự lớp đào tạo và làm việc tại trụ sở của công ty HATCH tại thành phố Perth, Australia. Bằng việc hợp tác như vậy, các kỹ sư của Viện (NARIME) sẽ nhận được chuyển giao công nghệ thiết kế ngay trong quá trình thực hiện Dự án.
Tạo mô hình liên kết để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất
Để các kết quả nghiên cứu của Viện ứng dụng được vào thực tế, Viện định hướng công tác nghiên cứu theo nhu cầu thị trường, hợp tác với các chủ đầu tư lớn; nghiên cứu chuyên sâu và nhận chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp Khai thác và Chế biến bô xít nhôm đến năm 2015, sẽ có 15 tỷ USD đầu tư cho chương trình này, trong đó, khoảng một nửa kinh phí đầu tư cho thiết bị. Từ năm 2002, Viện (NARIME) đã tập trung một nhóm nghiên cứu về công nghệ khai thác chế biến bô xít, đồng thời thuê chuyên gia nước ngoài để nhận chuyển giao công nghệ thiết kế.
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù cơ sở vật chất nghèo, Viện (NARIME) đã xác định được lợi thế cạnh tranh của mình là con người. Với gần 400 cán bộ, trong đó có trên 300 kỹ sư thiết kế về cơ khí tự động hoá, có khả năng sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên ngành, gần 80 kỹ sư có khả năng giao tiếp tiếng Anh, Viện đã chủ động liên kết để làm thầu phụ cho các công ty tư vấn thiết kế nước ngoài. Đầu năm 2007, Viện đã ký hợp đồng liên kết với Công ty HATCH về tư vấn thiết kế ngành khai thác và chế biến bô xít nhôm. Theo hợp đồng này, Viện là nhà thầu phụ của HATCH phục vụ các dự án của Công ty. Viện đang tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, đầu tư hệ thống mạng Internet mạnh để có thể thực hiện tại chỗ những đơn hàng thiết kế của các nhà thầu nước ngoài.
Với những định hướng trên và căn cứ vào kết quả hoạt động trong thời gian qua, có thể thấy, Viện đã hoàn toàn tự tin khi chuyển sang hoạt động theo Nghị định 115/NĐ-CP. Thời gian tới, Viện đề xuất Chính phủ được thí điểm chuyển đổi sang mô hình “Công ty cổ phần Khoa học công nghệ” để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thị trường trong thời hội nhập.