Giai đoạn 2016 - 2020, Viện Thuốc lá được Bộ Công Thương và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giao thực hiện 82 nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, cấp Bộ 43 nhiệm vụ, cấp Tổng Công ty là 39 nhiệm vụ. Tất cả các nhiệm vụ KHCN của Viện đều đã được thực hiện theo đúng nội dung, tiến độ và khối lượng công việc theo đề cương được phê duyệt và được Hội đồng Khoa học kỹ thuật các cấp nghiệm thu đánh giá cao. 55 nhiệm vụ đã được nghiệm thu, năm 2020 là 15 nhiệm vụ đang thực hiện.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, Viện tập trung nghiên cứu và chọn tạo các giống thuốc lá phù hợp với điều kiện của các vùng trồng, có khả năng kháng một số bệnh hại phổ biến cho năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến áp dụng cho các vùng canh tác.
Thực tế, Viện đã nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sinh học của thế giới như công nghệ invitro trong nuôi cấy mô, công nghệ lai tạo ra các giống thuốc lá có năng suất, chất lượng, kháng bệnh cao phục vụ trong sản xuất thuốc lá nguyên liệu. Thành công từ công nghệ invitro, Viện chủ động trong việc bảo tồn, lưu giữ và cung cấp kịp thời các nguồn gen quý hiếm, đảm bảo chất lượng cho công tác sản xuất lai tạo các giống thuốc lá lai có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng các vùng trồng nguyên liệu.
Kết quả, các giống thuốc lá mới do Viện lai tạo và chọn lọc được sản xuất chấp nhận với nhu cầu ngày càng cao. Tổng lượng hạt giống mới được sử dụng trong các vụ xuân 2016 - 2020 tương ứng với diện tích trồng 17.500 ha. Giống mới có năng suất cao mang lại lợi nhuận tốt cho người trồng, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn hơn cho công nghiệp sản xuất thuốc lá điếu (mức tăng năng suất tối thiểu 10% so với các giống đại trà C.176, K.326)
Giai đoạn này Viện đồng thời đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong Ngành, nghiên cứu, phối chế các sản phẩm thuốc lá điếu. Các biện pháp cải tiến về kỹ thuật canh tác; tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và bước đầu nghiên cứu phân rơm rạ ủ vi sinh và phân hữu cơ sinh học kết hợp với các biện pháp của chương trình sản xuất thuốc lá bền vững... Những công nghệ trong quá trình hái sấy nguyên liệu và phối chế các sản phẩm thuốc lá điếu mà Viện áp dụng đã góp phần nâng cao chất lượng cũng như giảm thiểu các độc hại không mong muốn của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Đề tài “Nghiên cứu cải tiến lò sấy thuốc lá khu vực phía Bắc nhằm tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao chất lượng thuốc lá nguyên liệu” đã nghiên cứu thiết kế được lò sấy thuốc lá mới theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói. Hiện nay mô hình lò sấy thuốc lá mới này đang được mở rộng chuyển giao cho các vùng nguyên liệu phía Bắc và được các hộ nông dân tại các vùng trồng nguyên liệu tin tưởng đón nhận. Số lượng lò sấy mới được nông dân xây dựng tăng dần trong các năm.
Năm 2018 tại Vùng Cao Bằng có 34 lò sấy mới, năm 2019 có thêm 154 lò sấy và năm 2020 tiếp tục xây mới khoảng 150 lò sấy. Mô hình lò sấy thuốc lá mới này cũng được chuyển giao cho Công ty cổ phần Ngân Sơn. Hiện hơn 200 lò sấy kiểu này đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại Bắc Kạn, Bắc Sơn và Chi Lăng. Việc nghiên cứu thành công mô hình lò sấy thuốc lá mới theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói giúp giảm gần 40% lượng nhiên liệu tiêu hao, tăng năng lượng thuốc lá nguyên liệu và hiệu quả sản xuất...
Xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn, hỗ trợ công tác quản lý chất lượng
Trong giai đoạn 2015-2019, Viện Thuốc lá đã chủ trì xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phục vụ cho quản lý nhà nước như: Tiêu chuẩn Việt Nam bình hút cảm quan thuốc lá điếu; Tiêu chuẩn phân cấp thuốc lá nguyên liệu; Tiêu chuẩn cơ sở thuốc lá nguyên liệu vàng sấy sơ chế tách cọng; Tiêu chuẩn Việt Nam Thuốc lá điếu đầu lọc và không đầu lọc; Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp sắc ký khí để xác định nicotin trong phần ngưng tụ của khói thuốc; Hoàn thiện phương pháp xác định tốc độ cháy tự do của thuốc lá điếu bằng cách xác định các đặc tính vật lý của thuốc lá và sản phẩm thuốc lá…
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn này đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm thuốc lá đồng thời giúp các đơn vị sản xuất thuốc lá có cơ sở để đánh giá và kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất. Hàng năm Viện đều thực hiện phân tích, thử nghiệm hàng nghìn mẫu thuốc lá, kiểm định, giám định hàng trăm sản phẩm phục vụ đắc lực cho công tác quản lý giúp kiểm soát hàm lượng Tar, Nicotin theo lộ trình của Chính phủ cũng như giúp cơ quan quản lý ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng...
Điển hình từ kết quả thực hiện đề tài “Phân tích, đánh giá chất lượng thuốc lá điếu nhập lậu phổ biến tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế thuốc lá điếu nhập lậu”, của Viện (giai đoạn này) đã góp phần thu thập thông tin tổng quát về sản lượng tiêu thụ, thị trường phân bổ, giá cả các sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu tại Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá chất lượng các sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu so với với thuốc lá nội địa, đề tài đã xác định được nguyên nhân, đề xuất một số giải pháp kỹ thuật, mục tiêu hạn chế thuốc lá điếu nhập lậu.
Tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới liên quan đến lĩnh vực sản xuất thuốc lá; Nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ vào sản xuất... đến năm 2025, Viện Thuốc lá hướng tới mục tiêu trở thành cơ quan nghiên cứu R&D của Ngành có trình độ phát triển KH&CN tương đương các Viện nghiên cứu Thuốc lá tiên tiến tại Châu Á.