Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 26 tháng 02 năm 2019, thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020 dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen cùng đông đảo Lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước.
Thông qua Bản Thỏa thuận, hai Bên cam kết dành cho nhau những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam và Campuchia. Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm thịt và phụ phẩm, rau quả tươi hoặc ướp lạnh (cà chua, súp lơ, củ cải, đậu hạt, bí ngô, dứa, xoài, măng cụt, cam...) và nhiên liệu diesel. Các ưu đãi mà Campuchia dành cho Việt Nam là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác. Đối với các mặt hàng nhiên liệu diesel, đây là lần đầu tiên phía Campuchia dành ưu đãi về thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với 32 mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia gồm: gia cầm sống, thịt và phụ phẩm, quả chanh, bánh ga tô, thóc gạo, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch). Việc dành ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng nói trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, bao gồm thương mại hàng nông sản và sản phẩm công nghiệp. Việc ký Bản Thỏa thuận sẽ góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng có xuất xứ từ mỗi Bên, góp phần cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực biên giới, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.