Việt Nam gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức

I. Khái quát về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam Kể từ thời điểm nộp đơn xin gia nhập WTO vào tháng 1/1995, trải qua trên 10 năm kiên trì và nỗ lực đàm phán, Việt Nam đã có những bước tiến đáng

Trên bình diện đa phương: Việt Nam đã tiến hành 12 phiên đàm phán đa phương chính thức và 01 phiên đa phương không chính thức với Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. Từ giai đoạn đàm phán minh bạch hóa chính sách ban đầu cho tới nay, Việt Nam đã trả lời trên 3.000 câu hỏi và bình luận của các nước thành viên về hệ thống pháp luật, chính sách thương mại, chính sách thuế và phi thuế quan, chính sách đầu tư nước ngoài, công nghiệp, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ và cải cách kinh tế trong nước nói chung.

Hiện nay, Việt Nam đã cam kết và có chương trình hành động cụ thể để thực hiện đầy đủ các hiệp định cơ bản của WTO như Trips, Trims, CVA, SPS, TBT và Hiệp định Cấp phép nhập khẩu kể từ khi gia nhập WTO. Các qui định khác về kiểm tra hàng hóa trước khi xuống tầu, chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp đối kháng cũng sẽ phù hợp với các quy định của WTO khi Việt Nam gia nhập WTO. Gần đây, Việt Nam  cũng đã đưa ra những cam kết quan trọng trong các lĩnh vực như quyền kinh doanh, trợ cấp, doanh nghiệp thương mại nhà nước và hạn chế định hướng, tham gia Hiệp định ITA. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp kể từ khi gia nhập. Những tiến bộ này đã được Ban Công tác đánh giá cao trong Phiên họp 13 ngày 19/7/2006, nhờ đó, số lượng các vấn đề đa phương còn tồn tại đã được thu hẹp đáng kể tại Phiên họp 13, được các thành viên của Ban Công tác đánh giá là phiên đa phương cuối cùng mang tính kỹ thuật. Chỉ còn lại một số ít các vấn đề liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, sở hữu trí tuệ… sẽ được tham vấn sâu giữa các bên liên quan trong thời gian từ nay tới phiên họp tiếp theo của Ban Công tác.

Bên cạnh đó, việc cải cách hệ thống pháp luật theo hướng phù hợp với các quy định của WTO cũng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2005, Việt Nam đã xem xét và thông qua 29 luật quan trọng, trong đó có Luật Thương mại sửa đổi, Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp chung, và Luật Sở hữu Trí tuệ. Nhờ vậy, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật phù hợp với quy định của WTO ngay từ trước khi gia nhập tổ chức này.

Đàm phán song phương bắt đầu từ tháng 4/2002 (bên lề phiên 5 của Ban Công tác). Tổng cộng, đã có 27 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương với Việt Nam. Với việc kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ vào tháng 5/2006 vừa qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương trong khuôn khổ gia nhập WTO.

Tổng hợp chung các kết quả đàm phán cho toàn bộ biểu thuế nhập khẩu (10.600 dòng thuế), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 22% thuế nhập khẩu so mức thuế hiện hành, thực hiện chủ yếu trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO.

Cụ thể, thuế suất bình quân của ngành Nông nghiệp trong cam kết cuối cùng với WTO là 21%, mức cắt giảm so với hiện hành là 10,6%. Mức thuế này cũng thấp hơn mức 23,5% của thuế suất bình quân ưu đãi theo Quy chế tối huệ quốc (MFN) hiện đang được áp dụng. Mức thuế dành cho ngành Công nghiệp trong cam kết cuối cùng gia nhập WTO là 12,6%, cắt giảm tới 23,9% so với mức hiện hành và thấp hơn mức 16,6% thuế MFN hiện nay.

Tình bình quân, thuế suất cam kết cuối cùng khi gia nhập WTO là 13,4%, mức cắt giảm so với hiện hành lên tới 21,7%. Theo Bộ Tài chính, những ngành có mức cắt thuế nhiều nhất theo cam kết cuối cùng với WTO là dệt may, cá và các sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo và máy móc thiết bị điện.

Tuy nhiên, nếu so sánh với mức cam kết của Trung Quốc, thì các nhà sản xuất Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội. Cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO dành cho các ngành: Nông nghiệp là 16,7%, công nghiệp 9,6%, mức trung bình chung là 10%.

Về dịch vụ, Việt Nam đã đưa ra cam kết trong 11 ngành và 110 phân ngành dịch vụ. Nhiều cam kết quan trọng đã được đưa ra trong những ngành nhạy cảm như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, phân phối… Ví dụ, trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán, Việt Nam sẽ từng bước mở cửa tiếp cận thị trường, tăng dần tỷ trọng vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh, tiến tới cho phép công ty 100% vốn nước ngoài mở rộng các loại hình dịch vụ như nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam, phát hành thẻ tín dụng… Hầu hết các dịch vụ tài chính đều cam kết mở cửa rộng rãi, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia thị trường Việt Nam với hình thức đầu tư 100% vốn trong thời gian 5 năm tới.

Nỗ lực đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đã được các nước thành viên ghi nhận và ủng hộ. Trong quá trình đàm phán, nhiều thành viên kêu gọi các đối tác xem xét Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 500 USD để Việt Nam được hưởng những ưu đãi đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển; không đưa ra các tiêu chuẩn WTO + đối với Việt Nam và Việt Nam được hưởng thời gian chuyển đổi, cũng như không nên đưa yêu cầu về hàng dệt may và tiêu chuẩn lao động vào bản DR.

Với những tiến bộ trong cả đàm phán song phương và đa phương và sự ủng hộ của các nước, hiện nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán gia nhập WTO và hy vọng có thể trở thành thành viên của tổ chức này trước thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11/2006 tại Hà Nội.

(Kỳ sau xem tiếp)
  • Tags: