Theo Tổng cục Hải quan, hiện Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, Việt Nam cũng cho thấy, Việt Nam đã khai thác rất hiệu quả Cơ chế một cửa Asean. Cụ thể, tính đến 20/9/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là hơn 400 ngàn C/O, trong khi tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước hơn 1 triệu C/O.
Có thể thấy, sau gần 4 năm kết nối chính thức (từ tháng 01/2018 đến tháng 09/2021) số lượng chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử được trao đổi qua Cơ chế một cửa ASEAN đã tăng lên 336 lần, từ hơn 4 ngàn C/O trong năm 2018 đến hơn 1,4 triệu C/O tính đến tháng 9/2021.
Bên cạnh đó, việc trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN đã được thực hiện. Việt Nam đã hoàn thành việc phát triển các chức năng phục vụ cho việc kiểm thử trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và đang phối hợp với các nước để kết nối qua môi trường thử nghiệm.
Từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN với Indonesia, Brunei, Lào và các nước ASEAN khác. Theo kế hoạch của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm trong tháng 10/2021 và kết nối chính thức từ tháng 11/2021. Đồng thời, chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.
Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, phía Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, sẽ triển khai “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ các ngành cơ bản (New Zealand) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 20/9/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với khoảng 4,1 triệu bộ hồ sơ của gần 49,5 nghìn doanh nghiệp.
Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ năm 2014 đến tháng 9/2021), số Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng lên gấp 4 lần, cùng với lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng khoảng 23 lần và số lương hồ sơ được khai báo tăng khoảng 193 lần.
Kể từ sau cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) vào ngày 22/9/2020, các Bộ, ngành đã triển khai chính thức được 35 thủ tục hành chính, gồm: 8 thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 18 thủ tục của Bộ Y tế, 1 thủ tục của Ngân hàng Nhà nước, 6 thủ tục của Bộ Công Thương, 2 thủ tục của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, các Bộ, ngành đã hoàn thành kiểm tra kết nối, chuẩn bị triển khai chính thức 6 thủ tục mới của Bộ Quốc phòng, tiếp tục nâng cấp/ cập nhật 10 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia.