Việt Nam nên chọn ngành nào là ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn

LTS: Thông thường, tuỳ thuộc vào từng thời kỳ và tình hình phát triển kinh tế mà mỗi nước sẽ chọn ra những ngành, những lĩnh vực công nghiệp cần ưu tiên. Trong giai đoạn 2006-2020, Việt Nam sẽ chọn ng

 

Ông Ronal Klause, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: Cần phát triển ngành công nghiệp phát huy lợi thế cạnh tranh.

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP một cách đáng khâm phục. Trong đó, công nghiệp (có cả yếu tố nước ngoài) đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải hiện nay là nên phát triển nền công nghiệp theo chiều hướng nào để đạt hiệu quả và sức cạnh tranh cao nhất? Quan điểm của tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải đầu tư công nghiệp theo chiều sâu, tránh tình trạng đầu tư theo chiều rộng (dàn trải) như hiện nay. Trước đó, cần đặc biệt tập trung vào ngành công nghiệp chế biến (chế biến nông, thuỷ sản và chế biến nguồn khoáng sản) để mang lại giá trị gia tăng cao. Đây chính là nền công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nhất của Việt Nam. Còn nếu cứ nói phát triển công nghiệp hàm lượng chất xám cao thì khó có thể bắt kịp các nước phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

TS. Nguyễn Thành Sơn - Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam: Để xác định ngành Công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn cần phải sử dụng phương pháp lượng hoá”.

Thông thường, từ trước đến nay, khi lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, người ta thường dựa trên những định hướng phát triển mang tính định tính nhiều hơn là định lượng. Theo tôi, để xác định ngành công nghiệp nào là công nghiệp ưu tiên cần sử dụng phương pháp có tính khoa học cao. Trước hết, cần xây dựng các tiêu chí xác dịnh ngành công nghiệp ưu tiên. Tôi xin đề xuất 10 tiêu chí sau đây: 1. Sự cần thiết; 2. Kinh tế; 3. Kỹ thuật công nghệ; 4. Môi trường; 5. Sản phẩm; 6. Thị trường. 7. Sử dụng chất xám; 8. Sức cạnh tranh. 9. Sử dụng tài nguyên; 10. Sử dụng lao động. Công việc tiếp theo là liệt kê các ngành công nghiệp dự kiến đưa vào diện ưu tiên.Từ 10 tiêu chí này, người được tham gia bình chọn, tuỳ theo trình độ và sự hiểu biết của mình sẽ gán cho mỗi tiêu chí một trọng số riêng tính theo % (tổng số là 100%). Sau đó, bằng một phương pháp xử lý toán học, có thể dễ dàng xác định được ngành công nghiệp ưu tiên. Theo phương pháp này, tôi đã chọn được 4 ngành công nghiệp ưu tiên, đó là các ngành Công nghiệp: Dầu khí, Điện, Than và Điện tử - Tin học.

ông Lê Xuân Hãn - Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp: Những ngành công nghiệp ưu tiên phải là những ngành có thế mạnh và có điều kiện phát triển.

Lựa chọn một số ngành công nghiệp chủ đạo để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Việc lựa chọn phải dựa trên các tiêu chí như: là những ngành có thế mạnh, có điều kiện phát triển ở Việt Nam, từ đó đáp ứng được nhu cầu trong nước và xa hơn là xuất khẩu.

Theo tôi, một số ngành sau có thể chọn là ngành công nghiệp ưu tiên: ngành năng lượng, vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến thực phẩm, luyện kim mầu. Các ngành này đều đáp ứng các yêu cầu là ngành có cơ hội và có điều kiện phát triển ở VN. Về ngành Năng lượng, chúng ta có một nguồn lực khá dồi dào, chúng ta đã và đang xây dựng các nhà máy thuỷ điện khắp mọi miền, xây dựng những nhà máy lọc dầu, để trong tương lai không phải nhập khẩu dầu và xoá các “vùng trắng” hiện vẫn còn thiếu điện. Về ngành Vật liệu xây dựng, đây là một ngành công nghiệp rất có tiềm năng và có khả năng cạnh tranh, thị trường của nhóm ngành này cũng rất lớn. Phát triển ngành VLXD sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn có thể vươn ra xuất khẩu (như xi măng). Bên cạnh đó, các ngành khác như Công nghiệp chế biến thực phẩm, Luyện kim, nếu có những chiến lược phát triển thích hợp cũng đem lại những hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế đất nước.

PGS, TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp: Có những chính sách phù hợp để phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Trong Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ, ngành Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực, quyết định trong phát triển nền kinh tế, đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại với một số ngành công nghiệp chế tác tham gia vào nhóm nước đứng đầu trong khu vực. Trên cơ sở các quan điểm và mục tiêu đó, chúng ta cần tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh, có thị trường và giải quyết nhiều lao động; khuyến khích phát triển các ngành và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, quy trình công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh việc phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động như Dệt may, Da giầy, chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động có kỹ năng như sản xuất phần mềm, thiết bị gia đình, chế biến thực phẩm cao cấp.., để hình thành những ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam. Những nhóm ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có khả năng xuất khẩu là ngành: Dệt may, Da giầy, Chế biến nông - lâm - thuỷ sản, Công nghiệp thực phẩm, Sản xuất lắp ráp điện tử. Đây là nhóm ngành hàng cần được ưu tiên, hỗ trợ về nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích mọi thành phần kinh tế được tự do đầu tư không hạn chế lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, đồng thời khuyến khích mọi hình thức xuất khẩu tới mọi thị trường. Để tạo “bước nhẩy vọt” cho ngành Công nghiệp, trên cơ sở các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, cần có những chính sách phát triển phù hợp cho những ngành sản xuất có hiệu quả (Điện tử, Dệt may, Da giầy, Chế biến thực phẩm, Điện tử-Tin học, Xe máy/đóng tàu/cơ điện tử), để trở thành các ngành mũi nhọn.     

Th.S. Hoàng Văn Khanh -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim: Tuỳ từng giai đoạn phát triển nền kinh tế của đất nước, cần phải chọn ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn. Nếu như những năm 80 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta phải đưa vấn đề phát triển nông nghiệp lên hàng đầu để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và đảm bảo công ăn việc làm cho 85% dân số, thì sau đó, chúng ta đã phải chuyển ngay sang phát triển công nghiệp để tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế quốc dân. Đến nay, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO, việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển là rất cần thiết trong giai đoạn từ nay đến 2010, tầm nhìn 2020. Về ngành công nghiệp ưu tiên, nếu nhìn sang Nhật Bản, là một nước rất nghèo về tài nguyên khoáng sản, họ đã lựa chọn phát triển mạnh ngành công nghiệp điện tử, ô tô và đặc biệt những ngành công nghệ cao. Liên Xô (cũ) hay CHLB Nga ngày nay và Mỹ thì đã phát triển toàn diện. Malaisya trước đây đặt ưu tiên số một là phát triển ngành công nghiệp khoáng sản, thì nay ngành này lại đứng sau ngành công nghiệp ô tô, điện tử và chế biến thuỷ hải sản. Việt Nam hiện nay đã có một số ngành phát triển tương đối tốt, như ngành Bưu chính Viễn thông. Tuy nhiên, ngành khai thác và chế biến khoáng sản của nước ta còn rất yếu, mới chỉ dừng lại khai thác và chế biến thô là chính, nên doanh thu từ xuất khẩu thì lớn, nhưng giá trị gia tăng không cao, trong khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Nền công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, muốn phát triển phải có khoáng sản. Nhưng nhìn chung chế biến khoáng sản sâu của nước ta hiện nay còn rất kém. Vì vậy, theo tôi, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản từ thượng nguồn đến hạ nguồn, vì ngành này sẽ đem lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế. Chỉ có chế biến sâu các loại khoáng sản mới có thể phát triển mạnh các ngành công nghiệp khác.

Quá trình phát triển của đất nước, công nghệ có thể nhập dễ dàng, nhất là về lĩnh vực tự động hoá. Nhưng thiết bị thì còn nhiều khó khăn, do nguyên vật liệu phục vụ chế tạo của chúng ta còn quá kém, phải nhập khẩu mới có được. Viện chúng tôi có thể tự hào rằng, hiện nay, sản phẩm máy tuyển từ, máy tuyển nhiệt, vít đứng, bàn đãi của Viện đã chiếm tới 80% thị phần trong nước, vì giá cả rẻ hơn rất nhiều so với các máy nhập khẩu. Chỉ tiếc rằng, vật liệu trong nước của chúng ta còn nhiều hạn chế, nên tuổi thọ của sản phẩm chưa cao. Vì vậy, theo tôi, Nhà nước cần chọn ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy và thiết bị công nghiệp làm một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn để đầu tư, nhằm thiết thực góp phần phục vụ các ngành công nghiệp khác phát triển đồng bộ trong thời gian tới.

Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Tập đoàn Dệt-May Việt Nam: Cần xác định tiêu chí cụ thể trước khi lựa chọn ngành nào là công nghiệp mũi nhọn.

Theo tôi, nên xây dựng ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với từng giai đoạn nhất định. Bất kỳ đất nước nào, trong một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định cũng đều có chiến lược tập trung phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn của họ. Phân ra ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên là để có sự tập trung về nguồn lực nhằm thúc đẩy ngành đó phát triển nhanh. Vấn đề là ở chỗ, xác định được các tiêu chí cụ thể để lựa chọn ngành nào là công nghiệp mũi nhọn trong một giai đoạn nhất định của nền kinh tế. Nếu lựa chọn đúng sẽ có hiệu quả. Còn lựa chọn sai sẽ lãng phí nguồn lực và đánh mất đi cơ hội cho những ngành khác.Tôi được biết, ở những nước đang phát triển, khi lựa chọn người ta thường đưa vào các tiêu chí sau: Có khả năng cạnh tranh tốt trong bối cảnh của nền kinh tế ở giai đoạn lựa chọn; Sử dụng nhiều lao động, xuất khẩu thu ngoại tệ; Tác động phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của các ngành khác.

 

  • Tags: